Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận thương mại tự do rộng lớn nhất trong lịch sử, được hơn một chục nước thành viên ca ngợi là sẽ thống nhất một thị trường chiếm tới 40% nền kinh tế toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại trị giá tới 30.000 tỷ đôla. Nhưng việc thực thi hiệp định chưa phải là chắc chắn. Từ văn phòng của Đài VOA ở Đông Nam Á ở Bangkok, thông tín viên Steve Herman tường thuật về các rào cản lập pháp mà TPP phải vượt qua.
Sau tiến trình đàm phán đầy bí mật, các chính trị gia, các nhóm lợi ích và công chúng tại 12 nước tham gia TPP sẽ sớm có dịp phân tích các chi tiết cua hiệp định khi toàn bộ nội dung của thỏa thuận được công bố.
Một số sẽ thấy những điều khoản mà họ không hài lòng. Và điều đó sẽ gia tăng áp lực lên các nhà lập pháp, khi họ cân nhắc việc thông qua hiệp định này. Nếu tất cả các nước tham gia không phê chuẩn TPP trong vòng hai năm thì 6 quốc gia ký thỏa thuận ban đầu, vốn chiếm 85% tổng sản phẩm quốc nội của khối này, sẽ phải phê chuẩn hiệp định này. Điều đó có nghĩa là việc chấp thuận của Mỹ cùng với Canada hoặc Nhật Bản là điều hết sức quan trọng.
Hiện giờ đã có sự chống đối đáng kể từ một số các thượng nghị sĩ có ảnh hưởng ở Hoa Kỳ, trong đó có cả những người trong đảng Dân chủ của Tổng thống Obama. Cựu Ngoại trưởng đồng thời hiện là ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, là một trong những người phản đối TPP.
Một số nhà quan sát nhận định rằng việc thông qua, nếu có, ở Mỹ sẽ chỉ xảy ra sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm sau.
Bà Deborah Elms, một người phản đối TPP, là giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại Á châu tại Singapore.
“Tôi nghĩ rằng nếu Hoa Kỳ không thể hoặc sẽ không thực thi thỏa thuận này thì các nước khác có thể vẫn quyết định xúc tiến và về cơ bản sẽ ra một phiên bản mới của thỏa thuận này mà không có Hoa Kỳ.”
Số phận của TPP ở Canada có thể sẽ phải phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử liên bang vào ngày 19/10.
Ngoài ra, còn có sự chống đối lớn đối với TPP ở Australia và New Zealand, mặc dù có nhiều phần chắc hiệp định này sẽ được quốc hội ở cả hai nước này thông qua, theo nhận định của bà Elms từ Trung tâm Thương mại Á châu. Bà nói thêm:
“Họ tin rằng người Mỹ có được những thứ mà nước này muốn nhiều hơn so với Australia hoặc New Zealand.”
Đảng Lao động New Zealand, hiện không thuộc thành phần của chính phủ, cũng bất mãn về một điều khoản của TPP cấm đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực đất đai và nhà ở.
Và Chile cũng là một nước khác mà TPP sẽ vấp phải sự chống đối lớn tại quốc hội, vì những quan ngại về thuốc men với giá cả phải chăng.
Hiện cũng chưa rõ liệu TPP có được thông qua tại Nhật Bản hay không.
Cả hai viện quốc hội Nhật Bản sẽ xem xét hiệp định, và chính phủ đang cân nhắc tổ chức thêm một phiên thảo luận vào đầu năm tới, dù chưa rõ là việc cân nhắc về TPP sẽ hoàn tất hay chưa. Những quyết định đáng kể của chính phủ Nhật Bản về lĩnh vực nông nghiệp sẽ khiến một số nhóm nông gia chống đối việc thông qua thỏa thuận.
Tại Malaysia, nhà lập pháp đối lập Charles Santiago đã chỉ trích TPP là “một trong các thỏa thuận thương mại nguy hiểm nhất khi xét về vấn đề thuốc men với giá cả phải chăng, nhất là tại các nước đang phát triển.” Ông nói với đài VOA rằng chính phủ Malaysia đã cam kết sẽ chỉ hành động sau khi TPP nhận được chấp thuận tại quốc hội. Nhưng chính phủ Malaysia có quyền thông qua hiệp định kể cả đa số các nhà lập pháp phản đối TPP.
“Họ có thể làm điều đó vì Ttrên nguyên tắc, hiến pháp cho phép nội các ký bất kỳ thỏa thuận thương mại nào, và họ từng làm như vậy. Nhưng vì áp lực từ xã hội dân sự, các liên đoàn lao động, từ các nhóm doanh nghiệp, trong đó có các ngành công nghiệp nhỏ và vừa, nên tôi nghĩ chính phủ đã nói rằng “nếu quốc hội không ủng hộ thỏa thuận này, thì chúng tôi cũng không ủng hộ nó”.
Còn tại Việt Nam, một trong các quốc gia hưởng lợi nhiều nhất, một số nhà lập pháp nói với VOA rằng, TPP dự kiến sẽ vượt qua quốc hội một cách dễ dàng.
Australia, Brunei, Mexio, Peru và Singapore cũng là các thành viên của TPP. Tại những nước này, cả chính phủ lẫn các nhà lập pháp ủng hộ thỏa thuận thương mại toàn cầu, TPP dự kiến sẽ được chấp thuận.
Các vòng đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ thu hút được một số nước khác như Trung Quốc và Thái Lan, nhưng các quốc gia nhiều khả năng tham gia hơn là Colombia, Costa Rica, Hong Kong, Panama, Philippines, Hàn Quốc và Đài Loan.