Tổng thống Barack Obama đến thăm một đền thờ Hồi giáo ở Mỹ lần đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống, gặp gỡ hôm Thứ Tư với những người Hồi giáo Mỹ tại Hội Hồi giáo Baltimore (ISB)
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest cho hay hôm Thứ Ba rằng: “Đây là một cơ hội để gửi đi một tín hiệu rõ nét đến cộng đồng người Hồi giáo Mỹ rằng Tổng thống Mỹ sẽ bảo vệ quyền của quý vị ở đất nước này được thờ phụng Thượng đế đúng như truyền thống và di sản của quý vị”.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc nói ông Obama sẽ tham gia một cuộc họp bàn tròn với các lãnh tụ Hồi giáo Mỹ để nghe các mối quan tâm và những suy nghĩ của họ trước khi phát biểu trước cử tọa có thành phần rộng rãi hơn tại đền thờ ở Baltimore.
Ông Earnest nói: “Đó sẽ là cơ hội để làm một số việc. Đầu tiên là khẳng định vai trò quan trọng mà người Hồi giáo Mỹ nắm trong xã hội chúng ta và khẳng định lòng tin vững chắc của chúng ta vào nguyên tắc tự do tôn giáo”.
Ông Obama đã từng thăm các đền thờ hồi giáo ở nước ngoài.
Phản bác những lời đao to búa lớn chống Hồi giáo
Chuyến thăm đầu tiên của ông Obama đến một đền thờ Hồi giáo ở Mỹ diễn ra vào lúc có cuộc tranh cử tổng thống trong đó ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump kêu gọi lập cơ sở dữ liệu về người Hồi giáo và tạm thời cấm cho thêm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ sau vụ tấn công khủng bố hôm 2 tháng 12 ở San Bernardino, California.
Trong khi nhiều nhân vật nổi bật của đảng Cộng hòa, trong đó có Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain và ứng viên tổng thống trong cùng đảng Jeb Bush, đã lên án lời kêu gọi của ông Trump, ứng viên Ben Carson đã nhận định hồi năm ngoái rằng người thuộc về đức tin Hồi giáo không phù hợp để làm tổng thống Mỹ.
“Tôi sẽ không cổ xúy cho việc chúng ta để một người Hồi giáo điều hành quốc gia này”, ông Carson nói trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 9 năm 2015 trong chương trình Meet the Press của kênh NBC.
Tổng thống Obama đã không nói trực tiếp về những nhận xét chống Hồi giáo của các ứng viên nhưng đã đưa ra các phát biểu khái quát chống lại những lời đao to búa lớn đó, gần đây nhất và mạnh mẽ nhất là trong Thông điệp Liên bang cuối cùng của ông hồi tháng trước.
Ông đã kêu gọi nhân dân Mỹ bác bỏ bất cứ kiểu chính trị nào nhắm vào người ta vì lý do chủng tộc hay tôn giáo.
“Khi các nhà chính trị xúc phạm Hồi giáo, dù ở nước ngoài hay chính các công dân chúng ta, khi một đền thờ bị phá phách, hay một đứa trẻ bị chửi bới, điều đó không làm cho chúng ta an toàn hơn. Đó không đúng bản chất. Đơn giản là đó là điều sai trái”, ông Obama nói trong diễn văn hôm 13 tháng 1.
Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc Josh Earnest hôm Thứ Ba nói những người Hồi giáo cần phải được thờ cúng mà không bị phiền nhiễu bởi chính phủ hoặc những lời tuyên bố gây chia rẽ trong chiến dịch tranh cử.
“Quả thật chúng ta đã thấy một số người đảng Cộng hòa sẵn sàng cố đẩy những người Hồi giáo Mỹ ái quốc và tuân thủ luật pháp ra lề, điều này đã đến mức báo động. Và nó gây xúc phạm”, ông Earnest nói.
Cộng tác với Cộng đồng Hồi giáo
Các nhóm Hồi giáo Mỹ từ lâu đã vận động Tổng thống Obama thăm một đền thờ. Có tin lời đề nghị này được đưa ra lần nữa rất gần đây khi các quan chức hàng đầu của Tòa Bạch Ốc gặp các thủ lĩnh Hồi giáo Mỹ tại Tòa Bạch Ốc hồi tháng 12, giữa lúc người ta đã ghi nhận một loạt các vụ tội phạm do thù ghét chống lại cộng đồng này.
Báo chí địa phương cho hay Hội Hồi giáo Baltimore (ISB) đã nhận được những lời đe dọa như vậy, cảnh sát đã tăng cường an ninh quanh trụ sở của họ.
Trong tuyên bố hôm Thứ Hai, ISB nói họ thành lập năm 1969 do một nhóm gia đình vốn tổ chức các cuộc họp hàng tuần và cầu nguyện vào Thứ Sáu tại một trường ĐHTH ở địa phương. Họ đã phát triển đến địa điểm hiện này vào những năm 1980, xây dựng khu Masjid Al-Rahmah có trường giáo sỹ, phòng mạch và một trường phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12.
Sau vụ tấn công ở San Bernardino, Tổng thống Obama đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chính phủ có quan hệ đối tác hiệu quả với các lãnh tụ Hồi giáo Mỹ để chống lại các nỗ lực của các nhóm cực đoan như Nhà nước Hồi giáo nhằm cực đoan hóa những người trong cộng đồng Hồi giáo.
Thư ký Báo chí Earnest nói những phát biểu hôm Thứ Tư của ông Obama sẽ không nhất thiết tập trung vào an ninh quốc gia mà sẽ khẳng định những đóng góp của người Hồi giáo Mỹ và quyền thờ phụng của họ.
“Không nên có chuyện họ bị chế giễu hay bị biến thành mục tiêu của bất cứ người đó, càng không thể như thế với người muốn lãnh đạo đất nước này”, ông nói.
Your browser doesn’t support HTML5