Ngày thứ Hai, Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ đến thăm Tòa Bạch Ốc để thảo luận với Tổng thống Barack Obama về những vấn đề chính phủ Jakarta cho biết sẽ chú trọng đến đầu tư, thương mại và phát triển công nghệ kỹ thuật số tại quốc gia có nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này.
Tòa Bạch Ốc không tiết lộ lịch trình làm việc của cuộc họp, nhưng các nhà phân tích nói các đề tài sẽ bao gồm cuộc khủng hoảng về khói mù làm ngột ngạt phần lớn vùng này, và vấn đề nhân quyền, từ chính sách xử tử hình gây tranh cãi cho đến quyền của phụ nữ. Ngoài ra Tổng thống Widodo cũng sẽ nói chuyện với các nhà lãnh đạo quốc hội Mỹ.
Đối mặt với công tác kỹ thuật số hóa đất nước trải rộng với khoảng 18.000 hòn đảo, ông Widodo và một đoàn đông đảo các nhà lãnh đạo công nghệ cùng đi với ông sẽ gặp các giám đốc điều hành của Microsoft, Facebook và Apple trong chuyến viếng thăm Thung lũng Silicon vào tuần tới.
Ngày thứ Bảy, một phát ngôn viên Jakarta nói tổng thống Widodo sẽ yêu cầu Google mở rộng việc tiếp cận Internet cho những khu vực xa xôi của quần đảo Indonesia với công nghệ thả bong bóng ở cao độ. Bộ trưởng Thông tin Rudiantara cho biết Apple cũng lên tiếng quan tâm đến việc xây một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại nước ông.
Trước chuyến viếng thăm của Tổng thống Widodo, các tổ chức nhân quyền thúc đẩy Tổng thống Obama làm áp lực lên nhà lãnh đạo Indonesia về chính sách án tử hình tại nước này, với kết quả là xử bắn ít nhất 12 người nước ngoài kể từ khi ông Widodo lên cầm quyền vào năm ngoái.
Tất cả những người bị án tử hình đều bị buộc những tội liên hệ đến ma túy.
Trong một phúc trình được công bố đầu tháng này, tổ chức Ân xá Quốc tế cũng nêu lên những dữ liệu cho thấy một nửa tử tội được phỏng vấn tại Indonesia nói là bị tra tấn, đánh đập hay bị buộc phải “thú nhận” về những tội bị cáo buộc.
Trong một diễn biến khác, Human Rights Watch kêu gọi Tổng thống Obama dùng cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc để nêu lên những đe dọa ngày càng tăng đối với quyền của phụ nữ và tự do tôn giáo tại quốc gia có dân số theo Hồi Giáo đông nhất thế giới.
Đứng đầu trong số những chỉ trích của Human Rights Watch là một chính sách gây tranh cãi đòi hỏi cảnh sát và lực lượng vũ trang Indonesia yêu cầu những phụ nữ nạp đơn xin vào các lực lượng này phải xuất trình những thử nghiệm chứng tỏ vẫn còn trinh được các nước ngoài xem là kỳ thị và làm mất phẩm giá.
Một tuyên bố của Human Rights Watch cũng nhắc đến việc các chính quyền địa phương tại Indonesia qui định cách thức phụ nữ ngồi trên xe gắn máy như thế nào và loại khăn choàng đầu và váy họ có thể mặc.
Your browser doesn’t support HTML5