Đường dẫn truy cập

Indonesia hối thúc Hoa Kỳ giúp điều tra cuộc thanh trừng chống cộng


Bức tượng của cựu tổng thống Indonesia Suharto tại bảo tàng Suharto ở Yogyakarta.
Bức tượng của cựu tổng thống Indonesia Suharto tại bảo tàng Suharto ở Yogyakarta.

Tuần này đánh dấu 50 năm kể từ khi xảy ra vụ thảm sát tệ hại nhất trong lịch sử Indonesia, khi 6 sĩ quan quân đội bị giết trong khuôn khổ một cuộc nổi dậy bị cáo buộc là tả khuynh, dẫn tới một vụ đàn áp giết hại ít nhất 500 ngàn người. Hàng ngàn trí thức, giáo viên, thành viên công đoàn, thành viên của phong trào phụ nữ và các thường dân khác thuộc mọi thành phần đã bị xách nhiễu và giết hại.

Khác với nhưng vụ tàn sát tập thể ở những nơi như Rwanda và Kampuchea, Indonesia chưa hề thực hiện cố gắng nào nhằm khảo sát những gì đã xảy ra hay buộc những thủ phạm phải nhận lãnh trách nhiệm.

Giới phê bình khi đó đã yêu cầu chính phủ đóng chương đó lại, bằng cách mở sổ sách ra. Nhưng không phải có chính quyền ở Jakarta, mà cả những nhà hoạt động cũng yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ để cho công chúng xem các tài liệu lưu trữ trong khoảng thời gian đó.

Với cuộc viếng thăm thủ đô Washington sắp tới trong tháng này của tổng thống Indonesia Joko Widodo, một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đang chuẩn bị một nghị quyết kêu gọi giải mật. Những người ủng hộ nói việc này không những đưa ra ánh sáng sự can dự và trách nhiệm của Hoa Kỳ, mà còn dồn áp lực lên Indonesia phải ủng hộ các nạn nhân qua một ủy ban tìm hiểu sự thật.

Rọi tia sáng vào những vụ giết hại “gần như không ai biết đến”

Giới chỉ trích lên án CIA và các cơ quan gián điệp khác là dung dưỡng, nếu không nói là trợ giúp công khai, vụ sát hại tới một triệu người bị nghi là cộng sản ở Indonesia trong thời Chiến tranh Lạnh.

Giáo sư lịch sử của trường UCLA Geoffrey Robinsion nói hôm thứ tư trong một cuộc bàn luận tại trường Nghiên cứu Đông phương và Phi châu (SOAS) của đại học đường London đúng vào ngày kỷ niệm biến cố này: “Tôi nghĩ có thể chứng minh rằng vì thiếu sự hỗ trợ của các chính phủ đó, và trong một bầu không khí quốc tế hơi khác, những vụ tàn sát và bắt giữ tập thể sẽ không xảy ra.”

Giữa tình trạng bất động và một “sự im lặng dài hạn” ở Indonesia, ông Robinson nêu ra rằng những vụ giết người tập thể là “gần như không được biết đến” bên ngoài quốc gia Đông nam Á này. Sự kiện diễn ra bất chấp số tử vong ngang ngửa với những vụ diệt chủng được sự chú ý nhiều hơn, từ Rwanda cho đến Srebrenica.

Ông nói, “Trong sự lan tràn và tốc độ cùng các ảnh hưởng sâu rộng về chính trị, các diễn biến trong thời gian 1965-66 có thể sánh với một số những chiến dịch bỏ tù và tàn sát tập thể khét tiếng nhất trong thời kỳ hậu chiến.”

Nghị quyết do Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Tom Udall đề xuất trong tuần này kêu gọi Indonesia thành lập một ủy ban hòa giải và sự thật để giải quyết những tội ác đã phạm trong thời kỳ đó, và để chính phủ Hoa Kỳ giải mật và công bố các tài liệu có liên quan.

Giáo sư Robinson đề cập đến 3 khía cạnh của bạo lực chống cộng ở Indonesia đi chệch ra khỏi một số khuôn thức thông thường thấy được trong những vụ tàn sát khác. Nó không được thúc đẩy bởi một giấc mơ được cho là không tưởng, như ở Kampuchea của ông Pol Pot. Nó không bùng nổ giữa một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn, như trường hợp ở Bosnia. Và nó không phải là một vụ thanh tẩy sắc tộc giống như ta thấy ở Rwanda hay cuộc diệt chủng Do Thái.

Trong một số những vụ diệt chủng khác, những người sống sót trải qua một tiến trình chữa lành mà ông Robinson nói người dân Indonesia đã không có được bởi vì chính phủ không thừa nhận lịch sử. Lâu sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ chẳng hạn, Campuchia cuối cùng đã truy tố các thủ phạm qua một tòa án quốc tế. Và sau những vụ tàn sát đại quy mô của Hitler, người Do Thái đã chia sẻ những câu chuyện của mình và hình thành những tường trình được ghi nhớ về vụ diệt chủng.

Một nền văn hóa im lặng ghê người đã thắng thế ở Indonesia.
Hội Ân xá Quốc tế

‘Văn hóa im lặng’

Ngược lại, Hội Ân xá Quốc tế nói người Indonesia đã đối mặt với sự ngược đãi và đe dọa nếu họ tìm cách “phơi bày những tội ác tập thể.”

Tổ chức nhân quyền này nói trong một thông cáo cố ý đưa ra vào dịp kỷ niệm 50 năm, “Một nền văn hóa im lặng ghê người đã thắng thế ở Indonesia.”

Điều đó có thể sẽ thay đổi. Ông Anton Alifandi, một chuyên gia phân tích Indonesia tại cơ quan tham vấn rủi ro HIS, không lạc quan rằng nước ông sẽ xin lỗi những người sống sót. Nhưng ông nói tự do ngôn luận đã phát triển kể từ vụ lật đổ Tổng thống Suharto năm 1998, vị tướng đã lãnh đạo cuộc thanh trừng chống cộng trong thập niên 1960.

Ông nói với đài VOA sau cuộc đàm phán SOAS: “Dân chúng nay được tự do bàn luận về việc ấy. Không có sự đền bù chính thức cho các nạn nhân, nhưng về mặt phổ biến quan điểm thì không có vấn đề.”

Tuy nhiên, phía các nạn nhân đã bị đè nén bởi quân đội, vẫn đóng vai trò ngự trị sau vụ thảm sát. Theo ông Robinson, sau khi vận dụng lời hăm dọa về một sự chiếm lĩnh của cộng sản để giết những người bị nghi là cảm tình viên, quân đội đã tiếp tục kiểm soát giới truyền thông và sách giáo khoa để viết lịch sử theo ý mình kể từ năm 1965.

Ông nói các cấp chỉ huy đã có thể ém nhẹm việc này, một phần bởi vì họ có được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng trong những vụ sát hại tập thể. Các nhóm dân quân chịu trách nhiệm một phần về vụ tàn sát, với quận đội trực tiếp kích động dân làng mang vũ khí ở một số khu vực. Trong những vụ khác, có đủ căng thẳng kinh tế xã hội khiến dân làng không cần nhiều sự kích động, theo nhận định của bà Elizabeth Pisani, tác giả cuốn sách Indonesia, Etc.

Bà nói, “Theo tôi, quân đội chính là ngòi châm.”

Tuần này tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo xác nhận chính phủ không có ý định tạ lỗi về những vụ giết hại cách đây 50 năm. Trong các nhận định đưa ra với các phóng viên, ông nói đất nước phải đảm bảo rằng chuyện này không xảy ra một lần nữa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG