Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 20/6 lên đường tới Hoa Kỳ trong chuyến thăm cấp nhà nước được dự đoán là một cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước và làm sâu sắc cũng như đa dạng hóa quan hệ đối tác của họ.
Ông Modi đã đến Mỹ năm lần kể từ khi trở thành thủ tướng vào năm 2014 nhưng chuyến đi từ ngày 21 đến ngày 24 tháng 6 sẽ là chuyến đi đầu tiên của ông với đầy đủ quy chế ngoại giao của một chuyến thăm chính thức cấp nhà nước.
Đây cũng là chuyến thăm cấp nhà nước thứ ba trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden và là chuyến thăm thứ ba của một nhà lãnh đạo Ấn Độ tới Mỹ, cho thấy mối quan hệ ngày càng bền chặt giữa Washington và New Delhi cũng như khoảng cách mà họ đã đi kể từ khi ở hai bên đối lập trong Chiến tranh Lạnh.
Chuyến thăm dự trù sẽ chứng kiến hai nước mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và công nghệ cao, với việc Ấn Độ tiếp cận các công nghệ quan trọng của Mỹ mà Washington hiếm khi chia sẻ với các nước không phải đồng minh.
“Lời mời đặc biệt này phản ánh sự mạnh mẽ và sức sống của mối quan hệ đối tác giữa các nền dân chủ của chúng ta”, ông Modi nói trong một tuyên bố trước khi khởi hành.
“Tôi cũng sẽ gặp một số CEO hàng đầu để thảo luận về các cơ hội nâng cao mối quan hệ thương mại và đầu tư của chúng ta cũng như xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững,” ông nói.
Washington coi Ấn Độ là một đối tác quan trọng trong nỗ lực đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc trên toàn thế giới.
Hoa Kỳ hy vọng rằng một Ấn Độ mạnh hơn, có thể bảo vệ lợi ích của chính mình và có thể đóng góp cho an ninh khu vực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, là điều tốt cho Mỹ.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã mời ông Modi phát biểu tại một cuộc họp chung của Quốc hội. Đây sẽ là bài phát biểu thứ hai của ông Modi, một vinh dự hiếm có đối với một nhà lãnh đạo từng bị từ chối cấp thị thực vào Hoa Kỳ vì những lo ngại về nhân quyền.
Gặp Elon Musk
Giám đốc điều hành công ty Tesla Elon Musk nằm trong số các nhà lãnh đạo doanh nghiệp mà ông Modi dự kiến gặp trong chuyến đi, TV ANI đưa tin.
Các quan chức cấp cao của Tesla đã gặp Thứ trưởng Bộ Công nghệ Ấn Độ và các quan chức khác vào tháng trước, làm rõ kế hoạch đầy tham vọng của nhà sản xuất xe điện là thành lập cơ sở sản xuất ở Ấn Độ.
Các quan chức đã thảo luận với chính phủ về các ưu đãi mà Ấn Độ đưa ra cho sản xuất ô tô và pin, đồng thời đề nghị thành lập một nhà máy ở Ấn Độ để chế tạo xe điện, Reuters đưa tin vào tháng Năm vừa qua.
Tesla không trả lời ngay yêu cầu bình luận. Không liên lạc được với Bộ Ngoại giao Ấn Độ.
Ngoại trưởng Ấn Độ Vinay Kwatra hôm 19/6 nói rằng chi tiết về các cuộc gặp của ông Modi tại Washington sẽ được chia sẻ khi chuyến thăm diễn ra.
Ông Musk cũng là chủ tịch điều hành của Twitter, vốn đã có mâu thuẫn với chính phủ của ông Modi.
Tuần trước, người đồng sáng lập Twitter Jack Dorsey cho biết Ấn Độ đe dọa đóng cửa nền tảng này ở nước này trừ khi họ tuân thủ lệnh hạn chế các tài khoản chỉ trích việc xử lý các cuộc biểu tình của nông dân, một cáo buộc mà chính phủ của ông Modi gọi là “sự dối trá trắng trợn”.
Chuyến thăm của ông Modi diễn ra trong bối cảnh có sự khác biệt trong quan điểm của Washington và New Delhi về cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine.
Ấn Độ đã không lên án cuộc chiến của Nga và kêu gọi cả hai bên giải quyết những khác biệt thông qua ngoại giao.
Nước này vẫn phụ thuộc vào người bạn cũ Moscow để đáp ứng nhu cầu quốc phòng và đã tăng mạnh nhập khẩu dầu giá rẻ của Nga, khiến phương Tây bất bình.
Khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal về những chỉ trích ở Mỹ vì không có lập trường mạnh mẽ hơn chống lại cuộc xâm lược của Nga, ông Modi nói: “Tôi không nghĩ rằng kiểu nhận thức này phổ biến ở Mỹ.”
“Tôi nghĩ lập trường của Ấn Độ đã được cả thế giới biết đến và hiểu rõ. Thế giới hoàn toàn tin tưởng rằng ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ là hòa bình”, ông nói trong cuộc phỏng vấn được công bố ngày 20/6.
Tờ Wall Street Journal loan tin, ông Modi kêu gọi thay đổi các tổ chức toàn cầu như Liên hiệp quốc để thích ứng với “trật tự thế giới đa cực” ngày càng tăng và khiến chúng trở nên đại diện hơn cho các quốc gia kém giàu có trên thế giới.
Ông nói, Ấn Độ muốn trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.
“Thế giới nên được hỏi liệu họ có muốn Ấn Độ ở đó hay không”, ông Modi nói.