Hoa Kỳ đề nghị bán cho Ấn Độ máy bay không người lái vũ trang Guardian mà ban đầu được phép mua bán như máy bay không người lái không vũ trang dùng trong việc do thám, một viên chức cao cấp Mỹ và một nguồn tin trong ngành này cho Reuters biết.
Nếu thỏa thuận có kết quả thì đây sẽ là lần đầu tiên Washington bán một máy bay lớn không người lái cho một nước bên ngoài đồng minh NATO.
Đây cũng là lần đầu tiên một máy bay không người lái công nghệ cao có mặt trong khu vực, nơi căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan tăng cao.
Vào tháng 4 năm nay, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đưa ra một chính sách xuất khẩu vũ khí được trông đợi lâu nay nhằm mở rộng các thương vụ bán hàng cho các đồng minh và cho rằng việc này sẽ đẩy mạnh công nghiệp quốc phòng của Mỹ, tạo ra công ăn việc làm trong nước.
Kế hoạch này bao gồm chính sách mới về xuất khẩu máy bay không người lái, cho phép các đồng minh dễ tiếp cận hơn với các máy bay sát thương không người lái bắn phi đạn và máy bay không người lái do thám đủ kích cỡ.
Một trở ngại hành chánh cho thỏa thuận là Washington đòi hỏi Ấn Độ ký một khung làm việc về thông tin mà một số người tại New Delhi lo ngại là có thể gây nhiều phiền phức, giới chức Hoa Kỳ nói.
Máy bay không người lái nằm trong nghị trình cuộc họp đã bị hủy bỏ giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ-Ấn dự trù diễn ra vào tháng 7, nguồn tin nói. Cuộc họp cấp cao nay dự trù diễn ra vào tháng 9 tới.
Tháng 6 vừa qua, công ty General Atomics cho biết chính phủ Mỹ đã chấp thuận bán máy bay không người lái dành cho hải quân. Ấn Độ đã đàm phán để mua 22 máy bay không người lái do thám không vũ trang MQ-9B Guardian, trị giá hơn 2 tỉ đô la để tiếp tục quan sát vùng Ấn Độ Dương.
Bên cạnh khả năng bao gồm máy bay không người lái vũ trang, nguồn tin cho biết con số máy bay cũng thay đổi.
Một nguồn tin quốc phòng Ấn Độ nói quân đội muốn máy bay không người lái không chỉ dùng để do thám nhưng cũng có thể bắn vào các mục tiêu trên đất liền và dưới biển. Quân đội cho rằng chi phí mua máy bay không biện minh được việc mua máy bay không người lái phi vũ trang.
Chi phí và việc hội nhập hệ thống vũ khí vẫn còn là một vấn đề, cũng như việc Ấn Độ chấp nhận Thỏa thuận Thông tin và An ninh (COMCASA) mà Washington cho rằng đây là điều kiện để điều hành hệ thống phòng thủ tiên tiến.
Nguồn tin quốc phòng nói Ấn Độ đã thôi phản đối thỏa thuận sau khi được Hoa Kỳ đảm bảo là việc này được áp dụng rộng rãi đối với hệ thống vũ khí của Mỹ chẳng hạn như các máy bay chiến đấu và máy bay không người lái, nhưng không áp dụng đối với những trang bị có nguồn gốc Nga trong quân đội Ấn Độ.
Các nhà sản xuất máy bay không người lái Mỹ đang đối mặt với cạnh tranh ở nước ngoài đặc biệt từ các đối thủ Trung Quốc và Israel, những nước có quy định về bán vũ khí ít chặt chẽ hơn. Do vậy, các công ty sản xuất máy bay không người lái ở Mỹ đang tích cực vận động để thay đổi các qui luật xuất khẩu của Mỹ.
Trong số những thay đổi sẽ là việc áp dụng ít khắc khe hơn nguyên tắc xuất khẩu vũ khí của chính phủ Mỹ được biết dưới tên “suy đoán khước từ.” Nguyên tắc này đã cản trở nhiều thỏa thuận bán máy bay không người lái bằng cách tự động bác bỏ các thỏa thuận trừ phi có lý do an ninh rõ ràng với sự đồng ý của người mua là sử dụng vũ khí phù hợp với luật quốc tế.