Toàn cầu hoá có thực là một đe dọa?

Toàn cầu hoá có thực là một đe dọa?

Văn hoá thời toàn cầu hóa là văn hóa lai ghép. Nhưng không phải ai cũng nghĩ như vậy. Một số người cho thực chất của toàn cầu hoá là hiện đại hoá; thực chất của hiện đại hoá là Tây phương hoá; thực chất của Tây phương hoá là Mỹ hoá; và thực chất của Mỹ hoá là văn-hoá-tiêu-thụ hoá và văn-hoá-đại-chúng hoá, thường được gọi một cách hình tượng là đô-la hoá (dollarization), McDonald-hoá (McDonaldization) hoặc Coca-thực dân hoá (Coca-colonialization).

Trong cách nhìn như thế, người ta xem toàn cầu hoá chỉ là tên gọi khác của chủ nghĩa thực dân mới hay, nói theo chữ của nhà làm phim Bernado Bertolucci, “một thứ chủ nghĩa toàn trị về văn hoá”. (1) Một số khuyết điểm vốn gắn liền với loại thức ăn nhanh tiêu biểu của Mỹ như quá nhiều mỡ, đường và muối, những thủ phạm chính gây ra nạn béo phì được khuếch đại như là những biểu tượng của toàn cầu hoá: nó sẽ dẫn đến một thế giới đồng phục và đơn điệu, những điều có thể giết chết khả năng sáng tạo của nhân loại và phi nhân tính hoá mọi quan hệ xã hội.

Toàn cầu hoá, do đó, trở thành một đe doạ. Cảm giác bị đe doạ này càng dâng cao khi người ta nhìn thấy sự thống trị của Mỹ không những về phương diện quân sự, chính trị, kinh tế mà cả về phương diện văn hoá đại chúng và ngôn ngữ: tuyệt đại đa số các phim ảnh được chiếu trong rạp hoặc trên hệ thống truyền hình trên khắp thế giới là do Mỹ sản xuất, và tuyệt đại đa số các website là bằng tiếng Anh.

Cứ tưởng tượng cái cảnh: từ châu Á đến châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và châu Úc, đi đâu người ta cũng gặp những kiểu kiến trúc giống nhau, những thời trang giống nhau, những thực phẩm giống nhau, những phong cách sống giống nhau. Cái sự-giống-nhau (sameness) ấy, theo George Ritzer càng ngày càng lan tràn khắp nơi trên thế giới qua hình ảnh của các siêu thị, các tiệm bán thức ăn nhanh, các khu thương mại, các quán cà phê theo kiểu công nghiệp như Starbucks, v.v… mà kết quả là tạo ra những cái-không-là-cái-gì-cả (non-things), những nơi-không-là-nơi-nào-cả (non-places), những người-không-là-ai-cả (non-people) và những dịch-vụ-không-phục-vụ-gì-cả (non-services).

Trước hết, cần lưu ý: Ritzer phân biệt hai phong cách sống khác nhau: không-là-gì-cả (nothing) chỉ những gì được điều khiển một cách máy móc, thiếu hẳn những quan hệ mang tính người, và một-cái-gì-đó (something), ngược lại, chỉ những gì mang tính độc đáo, gần gũi và thân mật, để lại dấu ấn sâu sắc và lâu dài trong ký ức, góp phần tạo nên bản sắc của từng cá nhân.

Tô canh chua và nồi cá kho tộ chăm chút nấu ở nhà là cái-gì-đó trong khi những thức ăn đóng hộp sẵn mua ở siêu thị là những cái-không-là-gì-cả. Một tiệm ăn có phong cách trang trí riêng và ấm cúng là một nơi-nào-đó trong khi tiệm McDonalds ở đâu cũng giống hệt nhau từ cách kiến trúc đến cách trang trí, cách thiết kế, cách phục vụ là nơi-không-là-nơi-nào-cả. Người đạp xích lô hay lái xe ôm chột một mắt quen thuộc ở đầu ngõ là một người-nào-đó trong khi viên phi công áo quần ủi thẳng tắp ngồi cách biệt trong buồng lái, xa cách hẳn với hành khách, là người-không-là-ai-cả. Chị bán phở trong lồng chợ với nồi nước lèo sôi sùng sục và bốc khói nghi ngút đang phục vụ khách hàng trong khi người đứng trước quầy tính tiền trong siêu thị lại không-phục-vụ-gì-cả: họ làm việc như những cái máy, nói những câu chào hỏi và từ biệt giống nhau với tất cả mọi người.

Điều đáng tiếc, theo Ritzer, những cái-không-là-gì-cả, những nơi-không-là-nơi-nào-cả, những người-không-là-ai-cả và những kiểu dịch-vụ-không-phục-vụ-gì-cả càng ngày càng lan rộng khắp thế giới trong khi những cái-gì-đó thì lại càng ngày càng thưa vắng.

Ritzer gọi đó là xu hướng “cầu phát hoá” (“grobalization”, kết hợp giữa chữ grow - lớn mạnh/phát triển – và globalization – toàn cầu hoá) (2) vốn là một tiến trình nhất thể hoá, như một tham vọng đế quốc, tạo ra những hình thức và phương thức làm việc được chuẩn hoá một cách máy móc, ở đâu cũng giống nhau, tuyệt đối không có một nét đặc thù nào cả. (3)

Mà không phải chỉ trên trần gian này, e qua bên kia thế giới, người ta cũng sẽ bắt gặp những cảnh như thế. Chứ không phải sao? Chỉ cần bước ra các đường phố ở Hà Nội, Sài Gòn hay có lẽ, bất cứ nơi nào ở Việt Nam, người ta cũng dễ dàng nhận thấy ngay cả tiền vàng mã cũng có đô-la, hơn nữa, tiền vàng mã giả tờ 100 Mỹ kim mới là loại tiền cao giá nhất và được ưa chuộng nhất. (4) Riêng ở Úc, mỗi lần đi dự đám tang, điều làm tôi ghê sợ nhất là nghe đi nghe lại những lời tụng kinh thu sẵn trong băng cassette hay CD. Khiếp chứ? Cái cảnh nhất thể hoá (homogenization) ấy, ở đâu cũng thấy đô-la, McDonald’s, Coca Cola và Starbucks đúng là một viễn tượng hãi hùng.

May, điều đáng mừng là cái viễn tượng hãi hùng ấy dường như rất ít có khả năng biến thành hiện thực; hoặc nếu có, chắc cũng còn xa lắm lắm.

Thứ nhất, do sự phát triển không đồng đều của tiến trình toàn cầu hoá, văn hoá toàn cầu, nếu có, bao giờ cũng ở số nhiều, thậm chí, khá nhiều, như những người theo thuyết dị thể hay lai ghép chủ trương, chứ không thể là một nhất thể được.

Thứ hai, toàn cầu hoá không đơn giản chỉ là một quá trình một chiều: từ Tây phương toả ra khắp thế giới. Đã đành đó là chiều chính. Nhưng không phải là chiều duy nhất. Trên thực tế, như các nhà nhân chủng học chứng minh, bên cạnh ảnh hưởng từ Tây phương lên các nước khác, có không ít dấu hiệu cho thấy có những tác động ngược lại từ các quốc gia nghèo yếu lên các quốc gia giàu mạnh và tiên tiến hơn, hay những ảnh hưởng giữa các nước nghèo và các cộng đồng nhỏ với nhau. (5)

Thứ ba, mỗi quốc gia có một bề dày lịch sử riêng, thường gắn liền với một (hoặc một số) sắc tộc nhất định - những yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc hình thành bản sắc - mà toàn cầu hoá không dễ gì đánh bạt đi được để thay thế vào đó bằng một bản sắc hoàn toàn mới. Mới, nếu có, chỉ là mới theo kiểu lai ghép, chứ không thể là hoàn toàn mới, đồng dạng với những cái mới nhan nhản khác trên thế giới.

Thứ tư, tự bản chất, con người bao giờ cũng có sức đề kháng rất cao; khi bị đe doạ, sức đề kháng ấy lại càng cao hơn nữa: Việt Nam từng bị Trung Hoa đô hộ cả ngàn năm mà vẫn không bị đồng hoá; người Chàm sống chung với người Việt cả mấy trăm năm mà vẫn giữ được nét riêng. (6) Không phải ngẫu nhiên mà khi xu thế toàn cầu hoá càng ngày càng mạnh, các khuynh hướng phản động (hiểu theo nghĩa trung tính) cũng càng lúc càng nổi lên: các phong trào dân tộc chủ nghĩa ở các nước thuộc Đông Âu nổi lên, phong trào khủng bố không có vẻ gì suy yếu sau hai cuộc chiến tranh đẫm máu ở Afghanistan và Iraq, những người Hồi giáo cũng trở thành cứng rắn hơn, hình ảnh những cuộc “xung đột văn minh” (clash of civilizations) giữa Tây phương và các nước ngoài Tây phương cũng như giữa các quốc gia ngoài Tây phương với nhau, đặc biệt giữa văn minh Thiên Chúa giáo với văn minh Hồi giáo và Nho giáo, như lời tiên đoán của Samuel Huntington vào năm 1993, (7) có vẻ như càng lúc càng cụ thể, trong khi đó lời tiên đoán về một thế giới giải ý thức hệ (deideologized world) sau khi chiến tranh lạnh kết thúc của Francis Fukuyama dường như không đúng sự thật. (8)

Viễn ảnh nhất thể hoá có thể sẽ không xảy ra.

Có phần chắc là không thể xảy ra.

Nhưng những cái gọi là đặc thù, độc đáo, thuần tuý mang tính địa phương thì, theo nhận định của George Ritzer, đang biến mất với tốc độ rất nhanh. (9)

Nói cách khác, toàn cầu hoá không xoá nhoà được mọi biên giới trong chính trị, trong xã hội cũng như trong văn hoá, không thể tẩy sạch những dị biệt trong nếp nghĩ và nếp cảm xúc của con người và không thể biến tất cả thành Một, hay, nói theo chữ của Rolan Robertson, một “địa điểm độc nhất” (single place). (10)

Tuy nhiên, trước làn sóng toàn cầu hoá, cũng không có cái gọi là bản sắc nào có thể giữ được mãi mãi nét đặc thù vốn được xem là truyền thống được. Toàn cầu hoá làm cho mọi thứ đều thay đổi: nó đặc thù hoá những cái phổ quát và phổ quát hoá những cái đặc thù.

Chú thích:

1.Dẫn theo John Tomlinson trong bài “Cultural Globalization” in trong tập The Blackwell Companion to Globalization do George Ritzer biên tập (2007), sđd., tr. 356.
2.George Ritzer dùng chữ grobalization để đối lập với chữ glocalization vốn chỉ sự kết hợp giữa toàn cầu hoá, globalization, và địa phương hoá, localization; ở đó, toàn cầu hoá không xoá mất bản sắc của địa phương, mà ngược lại, còn tạo nên những bản sắc có tính lai ghép độc đáo.
3.George Ritzer (2003), The Globalization of Nothing, Thousand Oaks: Pine Forge Press. Có thể xem trên trang mạng http://www.pineforge.com/upm-data/13651_Chapter_6_Theorizing_Glocalization_and_Grobalization.pdf
4.Xem bài “The dollarization of Vietnamese ghost money” của Heonik Kwon trên Journal of the Royal Anthropological Institute số tháng 3.2007.
5.Xem cuốn The Anthropology of Globalization, a Reader do Jonathan Xavier Inda và Renado Rosaldo chủ biên (2008), Oxford: Blackwell, tr. 28.
6.Sự so sánh này, dù vậy, chỉ có ý nghĩa rất tương đối. Hoàn cảnh hiện nay, thời toàn cầu hoá, khác hẳn ngày xưa. Người Việt Nam, dưới ách đô hộ của Trung Hoa, cũng như người Chàm, khi sống chung chạ với người Việt Nam, dù sao cũng có một không gian riêng biệt và ít nhiều có tính chất tự trị: gia đình, thậm chí, làng xã. Thời nay thì khác. Các phương tiện truyền thông đại chúng, từ truyền hình đến âm nhạc, phim ảnh, sách báo, internet, v.v… len lỏi vào tận trong các phòng ăn, phòng học và phòng ngủ của từng gia đình. Áp lực đồng hoá, do đó, chắc chắn là sâu và mạnh hơn hẳn ngày xưa. Tuy nhiên, dù sâu và mạnh đến mấy, nó cũng không thể đè bẹp hẳn mọi ý thức tự vệ và nỗ lực phản kháng, phần lớn từ trong vô thức, của các cộng đồng nhỏ.
7.Samuel P. Huntington, “The clash of civilizations?”, Foreign Affairs, số 72, Summer 1993, tr. 22-49. Có thể đọc trên http://www.vicisu.com/wp-content/huntington.pdf
8.Francis Fukuyama, “The end of history?”, National Interest, summer 1989, tr. 3-18.
9.George Ritzer (2003), sđd.
10.Robertson (1992), Globalization: Social Theory and Global Culture, London: Sage.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.