Hôm nay, một tòa án Thái Lan ra phán quyết là một gia đình 17 người, bị nghi là người Hồi giáo Uighur, tiếp tục bị giam giữ cho đến khi quốc tịch của những người này được xác minh. Trường hợp này đã gây tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, còn Thái Lan thì dường như không muốn có một quyết định có thể làm hai quốc gia này tức giận.
Tòa án tại Thái Lan đã bác bỏ lập luận của một gia đình người tị nạn là việc giam giữ vô thời hạn tại vương quốc này là bất hợp pháp.
Tòa án nói nhà cầm quyền Thái Lan phải tiếp tục giam giữ những người này cho đến khi nào những giấy tờ căn cước của họ được Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp.
Ông Worasit Piriyawiboon, luật sư của gia đình này nói tất cả 17 người đều có thân nhân và một ngôi nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ và do đó quốc tịch của họ không có gì phải tranh cãi.
Luật sư Worasit nói gia đình cũng có hộ chiếu do Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ cấp nên họ ”chính thức là công dân Thổ Nhĩ Kỳ.”
Nhưng Trung Quốc cho rằng những người tị nạn này là cư dân của vùng Tân Cương và phải được trả về nước.
Ông Sek Wannamethee, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Thái Lan nói với Đài VOA là chính phủ sẽ tôn trọng phán quyết của Tòa án và giam giữ những người này.
Ông Sek nói: “Họ phải ở lại Thái Lan để xác minh quốc tịch. Do đó nên không có gì thay đổi.”
15 thành viên trong gia đình Teklimankan bị cảnh sát bắt cách đây 1 năm sau khi từ Kampuchia vào Thái Lan bất hợp pháp. Kể từ đó, có thêm hai đứa bé ra đời trong gia đình này.
Luật sư của gia đình nói người Uighur phải trả chi phí nhà giam, cũng như chi phí thực phẩm, nước uống và thuốc men.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc chi nhánh châu Á của tổ chức Human Rights Watch gọi phán quyết của Tòa án Thái Lan không trả những người này cho Thổ Nhĩ Kỳ là “rất đáng lo ngại.”
Ông Robertson nói: “Chúng ta đang nói đến những em bé. Chúng ta đang nói đến những trẻ sơ sinh bị nhốt trong những điều kiện chật chội, kém vệ sinh trong những trung tâm giam giữ của Sở Di trú Thái Lan vì Thái Lan không muốn tin vào chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, khi chính phủ này nói họ là những công dân Thổ Nhĩ Kỳ.”
Nói chuyện với Đài VOA từ Berlin, ông Robertson cho rằng quyết định của Thái Lan trong vụ được theo dõi nhiều này có ảnh hưởng đến nhiều người bị giam giữ hơn là chỉ một gia đình.
Ông Robertson: “Vào lúc này, có trên 300 người lâm vào tình trạng nan giải này, bị trì hoãn trong nỗ lực đến Thổ Nhĩ Kỳ- những người đều nhận mình là công dân Thổ Nhĩ Kỳ và được chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phỏng vấn và thanh lọc.
Và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã nói “Đây là những công dân của chúng tôi và chúng tôi muốn họ trở về nước.”
Dưới áp lực của Bắc Kinh, một số nước Châu Á, kể cả Kampuchia, Malaysia, Pakistan và Thái Lan, đã gởi trả những người Uighur đào thoát về Trung Quốc.
Có khoảng 10 triệu người Uighur tại Tân Cương. Sắc tộc thiểu số nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ không chấp nhận sự cai trị của Trung Quốc và cáo buộc Trung Quốc đàn áp văn hóa và tôn giáo của người Uighur.