Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
Sau khi Nguyễn Phú Trọng qua đời, Tổng bí thư (TBT) – chức danh quyền lực nhất trong 4 vị trí “tứ trụ” của đảng Cộng sản rơi vào tay Tô Lâm. Thách thức đặt ra rất lớn cho tân tổng bí thư là làm sao thu phục được niềm tin của quần chúng và thoát khỏi sự ảnh hưởng to lớn mà người tiền nhiệm đã để lại qua các chiến dịch chống tham nhũng. “Vươn mình trong kỷ nguyên mới” là thông điệp mà Tô Lâm lựa chọn, và chiến lược hiệu quả nhất là “tinh gọn” bộ máy hành chính để “tiết kiệm, chống lãng phí”. Nắm bắt thực tế là người dân Việt Nam đã than phiền, bất mãn với thủ tục hành chính, cuộc cải cách lần này của Tô Lâm đã ghi điểm và xóa hẳn dấn ấn Nguyễn Phú Trọng để lại chỉ trong vài tháng qua.
“Tinh gọn bộ máy” có thực sự hiệu quả?
Trước mắt, với thông tin sáp nhập nhiều bộ, ban, ngành, xóa bỏ những cơ quan hoạt động không hiệu quả, Tô Lâm đã có đủ công cụ và tính chính danh để gây ảnh hưởng lẫn tạo vị thế quyền lực. Đây là bước chuẩn bị có chiến lược đã được tính toán rất kỹ trước thềm đại hội đảng vào năm 2026. Quan trọng hơn hết, Tô Lâm đã thành công khi thông qua chiến lược này xây dựng hình ảnh của một tổng bí thư gần dân, thức thời, dũng cảm thay đổi, sửa chữa những điểm tồn tại, hạn chế của đảng.
Gần 50 năm trôi qua, nhiều người dân ngỡ ngàng khi lần đầu tiên được biết: Ở Việt Nam 9-10 người dân "nuôi" một người hưởng lương ngân sách. Thông tin này do cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp chia sẻ. Thâm chí ông Hợp còn so sánh tỷ lệ này với Trung Quốc là 170, Nga 200, Mỹ 400, Nhật Bản 700. (1) Cả hai ông Tô Lâm và Lê Doãn Hợp đều là người trong hệ thống được dân nuôi này trong ít nhất hơn chục năm qua. Vậy họ ở đâu, họ làm gì khi tình trạng lãng phí này kéo dài?
Thông qua chiến dịch sửa sai bằng hình thức chống lãng phí nhờ sa thải những cá nhân không đủ năng lực trong hệ thống hành chính công, người Việt Nam cũng lần đầu được biết đến số liệu từ chính phủ là có tới 500 cục hoạt động không hiệu quả. Cục là cơ quan chịu sự quản lý dưới các bộ, và con số 500 đơn vị hành chính sẽ bị xóa bỏ khiến người Việt Nam nhận ra sự lãng phí vô cùng lớn lao. Việc sắp xếp lại bộ máy hành chính với lý do “vừa đỡ chồng chéo, tăng hiệu suất công việc, vừa giảm bớt gánh nặng ngân sách cho chi phí lương” của TBT Tô Lâm đã thực sự ghi dấu ấn với toàn dân và gieo một niềm hy vọng vào khả năng thay đổi của Việt Nam. Tuy nhiên, để xét tính hiệu quả của chiến lược này, có lẽ người dân sẽ phải chờ thêm một thời gian nữa. Nếu xét theo các nguyên tắc dân chủ, thì việc sắp xếp nhân sự có lẽ sẽ không tạo ra nhiều thay đổi. Bởi muốn giảm tiêu cực, lót tay, hối lộ thì việc có hệ thống giám sát, cạnh tranh, không độc quyền là chuyện cần phải làm. Nhưng TBT Tô Lâm – hay nói chính xác hơn là đảng Cộng sản – không hề cho thấy họ sẵn sàng để tháo gỡ “điểm nghẽn của thể chế” này. (3), Còn độc đảng là còn độc tài, còn độc tài là độc quyền, mà đã độc quyền thì sẽ không có dân chủ.
TBT Tô Lâm có thực sư làm gương trong chiến lược “tinh gọn bộ máy” không?
Câu trả lời là không.
Để thoát khỏi cái bóng của người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng, Tô Lâm đã kịp thời chỉ đạo Bộ Chính trị thành lập cái gọi là “Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” và nhận chức Trưởng ban bằng nghị quyết 57 (4). Đây là một nước cờ chiến lược giúp Tô Lâm thâu tóm quyền quản lý mọi lĩnh vực trong xã hội một cách chính danh và thực quyền mà lại không bị mang tiếng là sử dụng quyền lực để thanh trừng nội bộ như chức danh trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Như vậy có thể thấy bằng chiến lược tinh gọn bộ máy hành chính, tuy không ra mặt nhưng Tô Lâm vẫn nắm trọn quyền chống “tham nhũng”.
Trong vai trò mới ở Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, TBT Tô Lâm có thể kiểm soát được quân đội, quản lý được nguồn vốn đầu tư ở lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)… và nhiều hoạt động khác. Với bối cảnh Việt Nam đang xây dựng hình ảnh của một quốc gia đang “vươn mình trong kỷ nguyên mới”, với quyết tâm “chuyển đổi số” của đảng Cộng sản theo đúng lộ trình của thế giới, kể từ đây các tập đoàn đa quốc gia, các dòng vốn FDI đến Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, y tế, môi trường… đều phải qua “cửa” Trưởng ban Tô Lâm. Đây là một vai trò năng động, hợp thời đồng thời có thể thâu tóm hết mọi xu hướng phát triển của Việt Nam một cách thuận tiện. Nói một cách khác, với vị trí này, TBT Tô Lâm không chỉ quản lý các đảng viên mà còn có thực quyền để can thiệp vào bất kỳ ban, bộ, ngành nào nếu có dính dáng tới khoa học, công nghệ, hay chuyển đổi số. Bằng vị trí quyền lực mới đầy sáng tạo này, Tô Lâm có thể dễ dàng thoát khỏi giới hạn của một tổng bí thư để có thể tiếp xúc với bất kỳ quốc gia nào muốn bắt tay, hợp tác đầu tư vào Việt Nam. Đây là một toan tính, một bước đi chiến lược tạo thêm sự an toàn và gây dựng thêm quyền lực cho Tô Lâm trước thềm đại hội đảng mà không một đối thủ chính trị nào có thể phản công. Mặc dù, Bộ Khoa học – Công nghệ phải sáp nhập với Bộ Thông tin – Truyền thông theo Nghị quyết 18 để phục vụ chỉ đạo “chống lãng phí” của đảng CSVN, nhưng người lãnh đạo TBT Tô Lâm lại đi trước một bước để tạo dựng một phe cánh mới cho mình. Đây chính là thắng lợi, là dấu ấn mà các đối thủ chính trị khác của Tô Lâm phải nhường bước.
Có thể thấy kể từ ngày 3/8/2024 sau khi phát biểu nhậm chức Tổng bí thư đến nay, Tô Lâm đã có những bước đi đầy toan tính nhằm củng cố thêm sức mạnh quyền lực cho bản thân mà không phải ra mặt chỉ đạo. Đây chính là chiến lược xây dựng hình ảnh một lãnh đạo đảng hiện đại theo kịp nhịp phát triển của quốc gia, đồng thời xóa dần vết tích của một Bộ trưởng Bộ công an muốn quản trị đất nước bằng chế độ công an trị.
- https://vnexpress.net/ong-le-doan-hop-9-10-nguoi-dan-nuoi-mot-nguoi-huong-luong-ngan-sach-4824367.html
- https://vnexpress.net/chinh-phu-du-kien-giam-12-tong-cuc-500-cuc-4828744.html
- https://dangcongsan.vn/thoi-su/thao-go-nhung-diem-nghen-nut-that-ve-the-che-684919.html
- https://tuoitre.vn/tong-bi-thu-to-lam-lam-truong-ban-chi-dao-trung-uong-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-va-chuyen-doi-so-20241224180457969.htm