Tổng bí thư Tô Lâm nói với các cử tri dưới vai trò đại biểu Quốc hội rằng ông và Đảng Cộng sản sẽ kiên quyết thực hiện việc cắt giảm bộ máy nhà nước dù đây là công việc khó khăn, đụng đến quyền lợi nhiều người mà nhiều khóa trước chưa làm được, theo truyền thông trong nước đưa tin.
Ông Lâm đã đưa ra phát biểu này trong các cuộc tiếp xúc với cử tri Hưng Yên và Hà Nội trong hai ngày 2 và 3 tháng này để thông báo về kết quả kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa 15 trong bối cảnh Trung ương Đảng vừa ra nghị quyết số 18 về “tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy”.
“Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, đụng đến tâm tư, tình cảm, quyền lợi, lợi ích, cuộc sống hàng ngày của cán bộ, Đảng viên,” ông Lâm được tờ Lao Động dẫn lời nói với cử trị Hà Nội hôm 3/12 và cho biết đây là điều mà các khóa trước của Trung ương Đảng muốn làm nhưng chưa làm được.
“Bây giờ là thời cơ, bây giờ là cơ hội, chúng ta muốn phát triển phải nhẹ đi mới bay được cao,” ông Lâm nói thêm.
Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam cũng kêu gọi cán bộ, công chức “chấp nhận hy sinh quyền lợi cá nhân để đất nước phát triển” nếu họ nằm trong diện bị tinh giản, bị mất chức hay thậm chí mất việc.
“Hay mình đứng ở đây nhận lương, duy trì cuộc sống. Phải xem mình đóng góp gì cho xã hội, đất nước, nhân dân, mang lại gì cho cuộc sống của bản thân, gia đình, vợ con, bố mẹ, anh em họ hàng,” ông Lâm được Lao Động dẫn lời nói trong lời kêu gọi cán bộ, công chức tự soi xem mình có đáng nhận đồng lương từ tiền thuế của nhân dân hay không.
Theo báo Chính phủ, ông Lâm cho biết Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản đã “thống nhất rất cao” về kế hoạch tinh gọn này và “quyết tâm làm xong trong quý 1 năm sau” để làm tiền đề tiến đến Đại hội 14 vào năm 2026. Vẫn theo tờ báo này, ông Lâm còn đề ra phương hướng “làm từ trên xuống” và “chạy là cả hàng phải chạy, không lộn xộn, không chờ đợi ai”.
Còn tại buổi tiếp xúc cử tri Hưng Yên vào chiều ngày 2/12, ông Tô Lâm nói tinh giản bộ máy là “loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả” để từ đó “tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp”, cũng theo tường thuật của tờ Lao Động.
Người đứng đầu Đảng Cộng sản được tờ báo này trích lời tuyên bố rằng nhất quyết không để cơ quan Nhà nước là “vùng trú an toàn” cho cán bộ yếu kém.
Ông kêu gọi các cơ quan khi tinh giản nhân sự phải “thực hiện tốt công tác tư tưởng” và “có chế độ, chính sách” đối với người bị cắt giảm.
Bộ máy Nhà nước phình to được xem là một vấn nạn trong hệ thống chính trị ở Việt Nam với nhiều cán bộ, công chức hưởng lương Nhà nước nhưng làm việc không hiệu quả, đè gánh nặng lên ngân sách Nhà nước. Ông Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Thủ tướng từng nói là trong bộ máy Nhà nước “có nhiều người chỉ sáng cắp ô đi, tối cắp về”.
Tại Hội nghị Trung ương Đảng hồi cuối tháng 11, ông Tô Lâm đã gọi việc tinh gọn bộ máy là “cuộc cách mạng” và là “nhiệm vụ đặc biệt quan trọng” cần sự thống nhất và quyết tâm chính trị cao, theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ.
Tại hội nghị toàn quốc để quán triệt về việc này hôm 1/12, ông Lâm yêu cầu trong giai đoạn tinh gọn bộ máy, chính quyền sẽ tạm dừng bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn cũng như tuyển dụng công chức mới.
Theo phương án tinh gọn được báo chí trong nước đăng tải, trong đợt tinh giảm này, một số bộ, ban, ngành của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, cùng với một số cơ quan báo chí sẽ bị giải thể hay sáp nhập. Danh sách các cơ quan được đề xuất sáp nhập, đăng tải trên truyền thông trong nước, bao gồm Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Thông tin-Truyền thông, Bộ Khoa học-Công nghệ…