Tính chính trị của ngôn ngữ (2)

Từ các luận điểm đã nêu lên trong bài trước, có thể nói một cách tóm tắt, theo tôi, về bản chất, ngôn ngữ có hai chức năng chính: một, định danh sự vật, hiện tượng hoặc ý niệm; và hai, giao tiếp với người khác hoặc với chính mình (trường hợp độc thoại hoặc lúc đang tưởng tượng hay suy nghĩ).

Trong bài này, xin đề cập đến chức năng đầu trước: chức năng định danh.

Với chức năng định danh, ngôn ngữ biến thế giới con người thành một thế giới được ký hiệu hóa (signification), nghĩa là thế giới của ý nghĩa. Nhưng ý nghĩa lại là một thứ quan hệ, trước hết, như Saussure từng nhấn mạnh, là quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt, sau đó, như các nhà hậu cấu trúc luận và giải kiến tạo (deconstruction) thêm vào, là trùng trùng điệp điệp những thứ quan hệ khác: giữa cái biểu đạt này với một hoặc nhiều cái biểu đạt khác, giữa cái được biểu đạt này với một hoặc nhiều cái biểu đạt hoặc cái được biểu đạt khác, giữa người phát ngôn (addresser/enunciator) với người nhận sự phát ngôn (addressee/enunciatee) và, rộng hơn, giữa văn bản này với văn bản khác, từ đó, nảy ra một yếu tố khác của ký hiệu hóa: giá trị.

Trong ngôn ngữ, do đó, không phải chỉ có ý nghĩa mà còn có giá trị. Mỗi ngôn ngữ có một bảng giá trị riêng.

Ví dụ, người Việt Nam sống với từ “chó” trong khi người nói tiếng Anh sống với từ “dog”: Hai từ ấy vừa giống nhau lại vừa không giống nhau. Giống ở ý nghĩa: cả hai từ đều chỉ con vật bốn chân vẫn thường được nuôi trong nhà. Nhưng khác ở giá trị: “chó” mang hàm ý khinh miệt mà “dog” không có. Khinh miệt đến độ, thứ nhất, nó được dùng chủ yếu để chửi, lại là một trong những cách chửi nặng nề nhất trong tiếng Việt; và thứ hai, người ta cảm thấy ngại ngùng khi dùng từ “chó” để chỉ một món ăn dân dã, khoái khẩu và quen thuộc: lúc ấy chó sẽ biến thành cầy hoặc nai đồng quê hoặc một thứ gì khác.

Để chỉ những người thuộc phái nữ, tiếng Việt có hai từ: “phụ nữ” và “đàn bà”. Trong hai từ ấy, chữ “phụ nữ” có âm hưởng lịch sự và trang trọng hơn hẳn chữ “đàn bà”. “Phụ nữ” là từ có tính nghi thức (formal) để chỉ người hoặc những người mình kính trọng; “đàn bà” là từ bình dân, được dùng trong trường hợp hoặc thân mật hoặc khinh thường. Thế nhưng, “phụ nữ”, vốn là từ Hán Việt, trong gốc gác của nó, ở Trung Quốc, lại không sang và không nhã như trong tâm thức người Việt: Về từ nguyên, chữ “nữ” được tượng trưng bằng hình ảnh một người đang quỳ với hai bàn tay chắp lại đầy cung kính (); chữ “phụ”, chỉ đàn bà, được tượng trưng bằng hình ảnh một người nữ với cây chổi (), nghĩa là kẻ mà số phận bị buộc chặt vào các công việc nội trợ, chỉ quanh quẩn trong nhà, hoặc tệ hơn, trong bếp.

Người Việt Nam không có tinh thần trọng nam khinh nữ một cách nặng nề như người Trung Quốc nhưng trong phạm vi ngôn ngữ rõ ràng vẫn có sự ưu ái dành cho phái nam. Trong hệ thống từ chỉ thân tộc trong tiếng Việt, số từ chỉ bên nội và nam giới nhiều hơn hẳn bên ngoại và nữ giới: Bên nội, ngang hàng với bố, phía nam giới, có sự phân biệt giữa anh (bác) hay em (chú); phía nữ giới, chỉ có chữ cô cho cả chị lẫn em; bên ngoại, ngang hàng với mẹ, chỉ có cậu và dì, bất kể là anh/chị hay em.

Bởi vậy, nhiều lý thuyết gia cho ngôn ngữ không những phản ánh hiện thực mà còn kiến tạo hiện thực. Thật ra, không có hiện thực chung chung. Hiện thực bao giờ cũng là những gì được khái niệm hóa và phạm trù hóa qua ngôn ngữ.

Cứ nhìn quanh những người cùng máu mủ và cùng thế hệ trong gia đình chúng ta thì biết. Thì cũng là người vậy thôi. Thế nhưng, nhìn những người ấy, người nói tiếng Anh, chỉ thấy có hai, chủ yếu theo phái tính: brother/sister; người nói tiếng Việt lại thấy đến ba, không những theo phái tính mà còn theo tuổi tác: anh/chị/em. Nhìn lên các bậc bề trên trong gia đình, người nói tiếng Anh chỉ thấy ông bà (grandparents), người nói tiếng Việt không những chỉ thấy ông bà mà còn thấy cả phía nội (ông/bà nội) và phía ngoại (ông/bà ngoại) và đằng sau chúng là một lịch sử dằng dặc dựa trên chế độ phụ hệ, ở đó không những chỉ có sự phân biệt về phái tính mà còn có cả sự phân biệt giữa tình và lý, giữa nguyên tắc và thực tế (cháu bà nội, tội bà ngoại).

Nhìn ra ngoại giới chung quanh, ở cái nơi người nói tiếng Anh thấy hai màu (blue/green), người Việt Nam chỉ thấy có một màu: xanh; nơi người Việt Nam thấy có hai màu với hai sắc độ khác hẳn nhau: đỏ và hồng, người Trung Hoa chỉ thấy một: hồng (). Edward Sapir và Benjamin Lee Whorf cho cách con người cảm nghiệm và nhận thức về thế giới bị quy định bởi cái ngôn ngữ người ấy sử dụng. Mọi người, dù muốn hay không, cũng nhìn thế giới qua một lăng kính nhất định: lăng kính ấy được hình thành bởi ngôn ngữ (1). Dĩ nhiên, điều này không hề phủ nhận một chiều ngược lại: cách chúng ta nhìn thế giới cũng sẽ ảnh hưởng đến ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng.

Trong cái gọi là hiện thực được khái niệm hóa và phạm trù hóa, quan trọng nhất là các quan hệ xã hội và ý niệm về bản sắc cá nhân.

Khi phát ngôn, người nói tiếng Anh dùng đại từ “I/me” như một cách xác định quan hệ nói-nghe bình đẳng với người đối thoại, trong khi đó, người Việt Nam sẽ dùng hàng loạt các đại từ hoặc đại từ tạm thời như “tôi”, “anh”, “chị”, “em”, “cháu”, “thầy”, “cô”… mượn từ lớp danh từ chỉ thân tộc hoặc nghề nghiệp. Nói cách khác, khi mở miệng, người nói tiếng Anh (hoặc người Tây phương nói chung) chỉ có một quan hệ: quan hệ hành ngôn; người Việt lại có một thứ quan hệ khác: quan hệ gia đình và xã hội. Xã hội, hoặc phần lớn cái gọi là xã hội ấy, với người Việt Nam, thật ra, cũng chỉ là một thứ gia đình mở rộng: người này là ông/bà; người kia là chú/bác/cô/dì và người nọ là anh/chị/em/con/cháu. Quan hệ gia đình chịu sự tác động của hai yếu tố: vai vế và tuổi tác. Cũng có thể nói, người Việt Nam, trong lúc chuyện trò, bao giờ cũng tự định nghĩa mình bằng một trong hai hoặc cả hai tiêu chí ấy: vai vế và tuổi tác. Bản sắc của cá nhân, một phần, được định hình ngay từ hai yếu tố ấy.

Điều đó có nghĩa là ngôn ngữ không phải chỉ kiến tạo hiện thực: Nó còn kiến tạo nên con người. Nói cách khác, thoạt kỳ thủy, ngôn ngữ vốn là sản phẩm của con người nhưng sau đó, con người lại bị biến thành sản phẩm của ngôn ngữ: con người hành xử và suy nghĩ trong cái thế giới do ngôn ngữ mình tạo ra. Một ngôn ngữ không có số đếm, dù là những số căn bản nhất như ngôn ngữ của bộ lạc Piraha ở bên bờ sông Maici sâu trong khu rừng rậm Amazon, sẽ không thể có ý niệm về số lượng, kể cả số lượng về thời gian: với họ, đời sống là những gì đang diễn ra trước mắt. Không có kiếp trước và không có kiếp sau. Không có thời gian, họ cũng không có chuyện hay truyện vốn là những gì không những cần thời tính mà còn cần cả những quan hệ mang thời tính: nguyên nhân và kết quả.

Một ngôn ngữ không có những từ như “tự do”, “dân chủ” hay “nhân quyền”, chẳng hạn, hẳn sẽ không thể cảm nhận hết nỗi đau đớn và nhục nhã của trạng thái bị ràng buộc hay áp bức và chà đạp.

Trong quan hệ xã hội, một khía cạnh quan trọng và nổi bật nhất là quan hệ phái tính. Ngay cách phân chia phái tính ra làm hai ở hầu hết các ngôn ngữ (nam/nữ; male/female) đã loại trừ những người đồng tính: Không nằm trong hai phạm trù chính, họ bị xem là bất bình thường, là bệnh hoạn hoặc kỳ quái (queer). Giữa nam và nữ, hầu hết các ngôn ngữ đều thiên vị phái nam. Trong tiếng Anh, đàn ông (man) tượng trưng cho loài người nói chung (mankind / human); trong chữ Hán, có khoảng 250 từ có chứa đựng từ tố nữ, trong đó, ngoài những từ thuần miêu tả, còn lại hầu hết đều mang nghĩa tiêu cực, như một cách đồng nhất phụ nữ với cái xấu: chữ “gian” (gian đối) được tạo thành bởi hình ảnh ba người phụ nữ (); trong chữ “nộ” (giận dữ) cũng được tạo thành bởi hình ảnh trái tim của người phụ nữ (); trong chữ “đố” () (ganh ghét) và chữ “yêu” () (yêu sách, đòi hỏi) cũng có bộ nữ bên cạnh hoặc phía dưới, v.v. (2)

Chính vì vậy, nhiều nhà nữ quyền luận ở Tây phương thường cho ngôn ngữ phản ánh cái nhìn của nam giới, nhằm xây dựng những quan hệ xã hội trong đó ưu thế thuộc hẳn về nam giới; tự bản chất, nó là sản phẩm của nam giới và được kiểm soát bởi nam giới. Đó cũng là chính trị. Thứ chính trị mang tính duy dương vật luận (phallogocentrism/phallocentrism).

Bên cạnh quan hệ về phái tính, còn có quan hệ về tuổi tác. Tiếng Việt là một ví dụ. Thứ nhất, trong hệ thống từ vựng chỉ quan hệ thân tộc bằng tiếng Việt, chúng ta thấy sự kỳ thị về tuổi tác rất rõ: Số từ chỉ bậc trên, từ bố mẹ trở lên (bố/mẹ, chú, bác, cô, dì, cậu, dượng…), nhiều hơn hẳn số từ chỉ bậc dưới (chỉ có chữ “con” cho cả con trai lẫn con gái, con rể lẫn con dâu; và “cháu” cho cả cháu nội lẫn cháu ngoại cũng như cháu họ). Bậc ngang hàng với chúng ta, ở bề trên, tiếng Việt phân biệt nam và nữ: Nam là “anh”, nữ là “chị”; nhưng thuộc bề dưới thì chỉ có một chữ “em” cho cả hai phái. Khi cần phân biệt, chúng ta phải thêm “em trai” hay “em gái”. Nhưng đó là ngữ chứ không phải là từ. Thứ hai, trong cách nói lịch sự, tất cả các nguyên tắc đều chỉ được áp dụng từ dưới lên trên: trẻ, nói chuyện với người lớn, phải “thưa”, “dạ” ở đầu câu và “ạ” ở cuối câu; còn già, nói chuyện với trẻ, mọi nguyên tắc đều được miễn trừ. Chỉ cần thân mật là đủ. Chứ không cần lịch sự.

Bắt chước cách nói của các nhà nữ quyền luận, chúng ta cũng có thể kết luận: tiếng Việt chủ yếu là ngôn ngữ của người già. Về chức năng giao tiếp, ở mọi thời và mọi nơi, với những mức độ khác nhau, con người sử dụng ngôn ngữ hoặc như một công cụ hoặc như một vũ khí hoặc cả hai cùng lúc. Với tư cách công cụ, ngôn ngữ được dùng để chào hỏi, mời mọc, để truyền đạt thông tin và ý tưởng, để bộc lộ cảm xúc, để làm sáng tỏ một vấn đề gì đó hoặc, nhiều nhất, chỉ để tạo niềm vui trong các quan hệ liên cá nhân như hầu hết các câu chuyện phiếm hàng ngày của chúng ta. Với tư cách vũ khí, ngôn ngữ được sử dụng để tố cáo, để trấn áp, để hạ nhục, để đe dọa, để khiêu khích, để lừa dối, hoặc để làm vừa lòng hay đau lòng người khác. Xin lưu ý là không phải chỉ với tư cách một vũ khí, ngôn ngữ mới có tính chính trị. Tính chính trị thể hiện ngay cả khi người ta chỉ sử dụng ngôn ngữ như một công cụ. Bất cứ diễn ngôn nào nhằm tới ý đồ tác động lên người khác, dù tốt hay xấu, dù trong quan hệ riêng tư hay công cộng, đều có tính chính trị.

Xin nêu ví dụ từ một đoạn đối thoại giữa Lộc và mẹ Lộc, bà Án, trong cuốn Nửa chừng xuân của Khái Hưng.

Sau khi sống chung với Mai một thời gian mà không báo cho mẹ biết, Lộc về thăm mẹ với ý định xin mẹ cho phép được chính thức cưới Mai. Trước, Lộc biết là mẹ không đồng ý. Lý do là giữa hai người không môn đăng hộ đối: Mai là một cô gái mồ côi và nghèo nàn. Bởi vậy, đến gặp mẹ, Lộc không giấu được sự lo lắng và đau khổ. Bà Án hỏi:

“Chuyện gì thế con?”

Lộc thưa:

“Bẩm mẹ, mẹ có tha tội cho con thì con mới dám thưa.”

“Con cứ nói.”

Lộc cúi đầu nhìn xuống đất thì thầm:

“Cô Mai...”

Lộc bỗng ngừng lại. Bà Án hỏi:

“Con Mai, có phải con bé nhà quê nó rủ rê, nó quyến rũ anh không?”

Lộc mỉm cười:

“Bẩm mẹ, nói con quyến rũ người ta thì đúng hơn?”

“Ừ, thế sao?”

“Bẩm mẹ, bây giờ cô ấy vẫn ở với con, cô ấy đã...”

Bà Án đứng phắt dậy trỏ tay vào mặt con, mắng:

“Thế thì mày giỏi thật...Mày dối tao, mày đánh lừa tao... mày đi thuê nhà riêng để ở với nó. Mày còn coi tao ra gì nữa, thằng kia?”

Ngôn ngữ của hai mẹ con Lộc khác hẳn nhau: Lộc thì lúc nào cũng cung kính, còn mẹ Lộc thì lúc ngọt ngào, lúc cảnh giác, lúc đầy quyền uy. Trong một mẩu đối ngoại ngắn, cách bà gọi Lộc thay đổi ba lần: thoạt đầu là “con”; sau, “anh”; và cuối cùng, “mày”. Mỗi cách gọi không những gắn liền với một trạng thái tâm lý mà còn với bản chất của quan hệ. Thì cũng vẫn là mẹ con thôi. Nhưng khi gọi Lộc bằng “con”, bà Án là một người mẹ; bằng “anh”, bà trở thành một người đối thoại đang thăm dò và dẫn dắt câu chuyện; và bằng “mày”, bà là chủ gia đình, kẻ quyết định, người muốn giành tiếng nói cuối cùng trong chuyện hôn nhân của con cái. Có thể nói thao tác hành ngôn của bà Án thực chất là một thao tác chính trị: từ đầu đến cuối, qua ngôn ngữ, lúc nào bà cũng phô diễn quyền lực trên đứa con trai, lúc là quyền lực của tình thương, lúc là quyền lực của lý trí và cuối cùng, quyền lực của luân lý vốn gắn liền với vị thế của một người gia trưởng.

***
Chú thích:
  1. Edward Sapir (1958), Culture, Language and Personality (D.G. Mandelbaum biên tập), Berkeley: University of Cailornia Press, và Benjamin Lee Whorf (1956), Language, Thought and Reality (J.B. Carroll biên tập), Cambridge: MIT Press.
  2. Xem bài “Language, Gender and Chinese Culture” của Carol C. Fan trên International Journal of Politics, Culture and Society, vol. 10, n. 1, 1996, tr. 95-114.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.