Đường dẫn truy cập

Tính chính trị của ngôn ngữ (1)


Trong bài “Tiếng Việt nào?”, tôi nêu lên một luận điểm chính: Ngôn ngữ, ở cấp độ từ vựng, không có tính chính trị. Tính chính trị của từ không nằm trong bản thân của các từ ấy. Tính chính trị chỉ có trong các cách sử dụng.

Bài ấy gây nên khá nhiều tranh luận, không những chỉ trên blog này mà còn trên nhiều diễn đàn khác, kể cả trên báo in. Nhiều người đồng ý với tôi. Nhưng cũng không ít người phản đối. Lý do phản đối, theo tôi, là vì điểm này: người ta nhầm. Tôi chỉ giới hạn ở cấp độ từ vựng. Người ta nhìn ở phạm vi ngôn ngữ nói chung. Nhưng từ vựng chỉ là một phần nhỏ của ngôn ngữ. Nếu từng từ không có tính chính trị thì ngôn ngữ, ngược lại, lúc nào cũng đậm màu sắc chính trị. Ngôn ngữ của cộng sản, bất cứ là chế độ cộng sản nào, lại càng đầy tính chính trị.

Tôi viết bài này để làm sáng tỏ thêm những điều ấy. Bài viết khá dài và vì đề cập đến những vấn đề tương đối phức tạp nên khá nặng nề. Tôi xin cắt thành nhiều kỳ để vừa hợp với khuôn khổ của blog vừa dễ đọc.

***
Ngôn ngữ nào cũng có tính chính trị, hơn nữa, có thể nói, trong lãnh vực văn hóa, không ở đâu tính chính trị lại thể hiện rõ và sâu như trong ngôn ngữ.

Tính chính trị ấy thể hiện ở hai góc độ: một, bên trong, từ ngay trong bản chất của ngôn ngữ; và hai, bên ngoài, từ cách ứng xử với ngôn ngữ của con người, hoặc cụ thể hơn, của các thế lực chính trị trong xã hội.

Trong bài này, tôi chỉ xin đề cập sơ lược về bản chất của ngôn ngữ.

Nói đến bản chất của ngôn ngữ, không thể không nhắc đến Ferdinand de Saussure (1857-1913), người được xem là cha đẻ của ngành ngôn ngữ học hiện đại và cũng là người đặt nền tảng cho cấu trúc luận (structuralism) và ký hiệu học (semiotics), hai trường phái có ảnh hưởng sâu rộng không những trong ngôn ngữ học mà cả trong triết học, phê bình và nghiên cứu văn học cũng như nhân chủng học, văn hóa học và xã hội học.

Để tìm hiểu bản chất của ngôn ngữ, Saussure bắt đầu bằng phương pháp loại trừ.

Thứ nhất, ông loại trừ khía cạnh lịch đại (diachronic) và chỉ tập trung vào khía cạnh đồng đại (synchronic) của ngôn ngữ, nghĩa là, ông bỏ qua ngôn ngữ học lịch sử với những sự tiến hóa và thay đổi theo thời gian để chỉ tập trung vào ngôn ngữ học miêu tả, ở đó, ông phân tích ngôn ngữ như cách nó đang được sử dụng trong một thời điểm nhất định, đặc biệt trong hiện tại.
Thứ hai, ở khía cạnh đồng đại, ông loại trừ các lời nói cụ thể của từng cá nhân (parole/speech) để chỉ tập trung vào ngôn ngữ như một hệ thống (language) với những quy luật và quy tắc cấu tạo chung được mọi người trong cộng đồng ngôn ngữ ấy học tập, nhập tâm và vận dụng trong các hoạt động giao tiếp. Nói cách khác, theo Saussure, lời nói có tính chất cá nhân và tạm thời, vừa chịu ảnh hưởng của tâm lý người phát ngôn vừa chịu ảnh hưởng của môi trường với những tương tác của nhiều yếu tố xã hội khác nhau. Chúng xuất hiện rồi chúng biến mất. Chúng thường xuyên thay đổi. Ngôn ngữ, ngược lại, với tư cách một hệ thống, có tính chất trừu tượng và bền vững, gắn liền với nhận thức, là nền tảng để từ đó người ta tổ chức các lời nói. Chính ngôn ngữ, hiểu theo nghĩa ấy, mới là yếu tố căn bản và là đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học.

Thứ ba, trong ngôn ngữ, Saussure loại trừ toàn bộ các liên hệ bên ngoài, ví dụ giữa ngôn ngữ và hiện thực, để chỉ tập trung vào cấu trúc nội tại của ngôn ngữ, cái ông xem như một hệ thống ký hiệu (system of signs). Với ông, mỗi ký hiệu bao gồm hai khía cạnh: cái biểu đạt (signifier) – chủ yếu là phần âm thanh của chữ (ví dụ: âm “chó”) - và cái được biểu đạt (signified) – tức ý niệm do âm thanh ấy gợi lên trong óc người nghe (tức ý niệm “chó”, con vật chúng ta thường nuôi trong nhà). Saussure nhấn mạnh: “Một ký hiệu không phải là dấu nối giữa một vật và một cái tên mà là giữa một ý niệm và một khuôn âm”.(1) Cái gọi là ý nghĩa của ngôn ngữ, do đó, theo cách nhìn của Saussure, chỉ là quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt cũng như sự khác biệt giữa cái biểu đạt này với cái biểu đạt khác. Hiện thực bên ngoài ngôn ngữ cũng như cả người nói lẫn người nghe đều bị loại trừ.

Ảnh hưởng của Saussure, như trên đã nói, cực kỳ sâu rộng, góp phần hình thành nên diện mạo của toàn bộ các ngành khoa học xã hội và nhân văn trên thế giới trong suốt thế kỷ 20.

Ảnh hưởng ấy đến từ hai nguồn: những người theo ông và những người chống lại ông.

Trong số những người chống lại Saussure, nổi bật nhất là một số lý thuyết gia người Nga hoạt động chủ yếu trong thập niên 1920 như Mikhail M. Bakhtin (1895-1975) và Valentin N. Voloshinov (1895-1936) (2). Cả hai đều theo khuynh hướng Mác xít nhưng cả hai đều, một, bị trù dập dưới chế độ Xô Viết và, hai, chỉ nổi tiếng ở phương Tây, đặc biệt qua các nhà hậu cấu trúc luận (poststructuralism) và hậu-Mác xít (post-Marxism) ở Pháp và ở Anh từ đầu thập niên 1960 trở đi. Cả hai đều, một mặt, ngưỡng mộ Saussure và đều tiếp nhận nhiều quan điểm đầy tính phát kiến của Saussure, nhưng mặt khác, đều phê phán Sassure là theo chủ nghĩa khách quan trừu tượng (abstract objectivism) khi loại trừ mọi mối quan hệ bên ngoài các ký hiệu. Theo cả hai, mỗi ký hiệu là một kiến tạo giữa những người mang tính xã hội trong tiến trình tương tác giữa họ với nhau. Bởi vậy “các hình thức của ký hiệu đều được điều kiện hóa, trước hết, bởi các tổ chức xã hội của các thành viên tham gia và cũng bởi các điều kiện trực tiếp trong sự tương tác giữa họ với nhau.” (3)

Từ đó, họ đi đến một số kết luận chính, trong đó, đáng chú ý nhất là: một, ngôn ngữ, tự bản chất có tính chất tương thoại (dialogic) và đa thanh (heteroglossia), bao gồm nhiều người với nhiều cách nói khác nhau: chúng tồn tại bên nhau, nhiều lúc trộn lẫn vào nhau; và hai, chúng ta không thể hiểu được các sáng tạo ngôn ngữ mà không chú ý đến các ý nghĩa và giá trị mang tính ý thức hệ tiềm ẩn bên trong chúng. (4)

Từ nhiều góc độ và với nhiều mức độ khác nhau, hầu hết giới nghiên cứu đều đồng ý với Bakhtin và Voloshinov: ngôn ngữ không thể thoát được chính trị. Michel Foucault (1926-84) cho kiến thức tự nó là một biểu hiện của quyền lực (5). Mà quyền lực lại là chính trị. Và kiến thức thì lại được chuyên chở bởi ngôn ngữ. Chỉ bởi ngôn ngữ. Bởi vậy cũng có thể nói ngôn ngữ là một thứ quyền lực. Pierre Bourdieu cũng cho mọi ngôn ngữ đều có tính chính trị: Trong ngôn ngữ không có từ nào là ngây thơ và cũng không có từ nào là trung tính: từ, ngay cả những từ chỉ khẩu vị (taste) quen thuộc thường được nhìn nhận với những ý nghĩa khác nhau, thậm chí đối lập nhau từ tầng lớp xã hội này đến tầng lớp xã hội khác (6). Erving Goffman (1922-82), trước Foucault và Bourdieu, quy tính chính trị của ngôn ngữ vào các quan hệ xã hội: Theo ông, việc hành ngôn bao giờ cũng gắn liền với ý niệm sĩ diện (face), bao gồm hai khía cạnh chính: sĩ diện tiêu cực (negative face) và sĩ diện tích cực (positive face). Cứ hễ mở miệng ra nói điều gì đó với ai đó, dù muốn hay không chúng ta cũng tạo cơ hội cho người khác hoặc lắng nghe hoặc làm lơ, hoặc đồng ý hoặc phản đối, hoặc thương yêu hoặc ghét bỏ, hoặc kính trọng hoặc khinh khi. Bởi vậy, trước và trong khi nói, không ai không ít nhiều đắn đo cân nhắc (7). Có thể lấy bài ca dao quen thuộc này làm ví dụ:

Hôm qua tát nước đầu đình,
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà.
Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
Áo anh sứt chỉ đã lâu,
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Khâu rồi anh sẽ công,
Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho.
Giúp cho một gánh xôi vò
Một con lợn béo, một vò rượu tăm
Giúp cho đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp, đôi tằm em đeo.
Giúp cho quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau.

Cả bài ca dao chỉ là một lời tán tỉnh của một anh nông dân với một cô thôn nữ. Chiến lược tán tỉnh ấy dựa trên ba yếu tố chính: thứ nhất, về cớ: cái áo bỏ quên; thứ hai, về cấu trúc tự sự: quan hệ giữa nhờ vả và trả công; và thứ ba, quan trọng nhất, về ngôn ngữ: thay đổi đại từ xưng hô từ “em” sang “cô ấy” (câu thứ 8, “Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng”) và rồi quay trở lại với “em”. “Cô ấy”, ngôi thứ ba số ít, thật ra, cũng chỉ là “em”, ngôi thứ hai, người anh đang nói chuyện thôi. Nhưng sao lại là “cô ấy”? Lý do chính là vì dè dặt: anh không chắc về sự hưởng ứng của cô gái. Đó là cách nói lảng. Để thăm dò. Và cũng để phòng thủ. Như một cách giữ thể diện nếu bị cô gái từ chối hoặc có phản ứng bất lợi. Sau khi an tâm hẳn, anh mới quay về với chữ “em”: người anh muốn nhờ vả và trả công, tức người anh muốn tỏ tình và muốn lấy làm vợ, không ai khác hơn là chính “em”.

Kỳ tới, chúng ta sẽ bàn thêm về bản chất của ngôn ngữ.

***
Chú thích:

Ferdinand de Saussure, (1983) Course in General Linguistics, Roy Harris dịch, La Salle, Ill.: Open Court, tr. 66.
  1. Dưới đây, tôi dùng chữ “cả hai” để chỉ Bakhtin và Voloshinov chứ không phân biệt quan điểm của từng người vì, cho đến nay, trong giới học thuật, có tin đồn là phần lớn những gì được ký dưới tên của Voloshinov đều do Bakhtin viết. Volosinov mất sớm; Bakhtin mất muộn hơn (năm 1975) nhưng cũng không hề cải chính tin đồn ấy. Đến nay, nó vẫn là một ẩn số.
  2. V.N. Voloshinov (1973), Marxism and the Philosophy of Language, Ladislav Materjka & I.R. Titunik dịch, Cambridge: Harvard University Press, tr. 21.
  3. Như trên, tr. 98.
  4. Michel Foucault (1977), Discipline and Punish: The Birth of the Prison, Alan Sheridan dịch, Harmondsworth: Penguin, tr. 27-8.
  5. Pierre Bourdieu (1991), Language & Symbolic Power, Gino Raymond & Matthew Adamson dịch, Cambridge: Polity Press, tr. 40.
  6. Erving Goffman (1972), Interaction Ritual: Essays on Face-to-Face Behaviour, Harmondsworth: Penguin, tr. 37-8.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG