Tỉnh Aceh của Indonesia đang nắm giữ một vai trò nổi bật trong việc trợ giúp hàng ngàn thuyền nhân ở Châu Á đã cư ngụ trong những trại tỵ nạn tạm thời sau một cuộc hành trình nguy hiểm bằng đường biển. Theo tường trình của thông tín viên VOA Ron Corben tại Bangkok, nhân viên cứu trợ và nhân đạo nói có phần chắc sẽ có thêm những người Rohingya liều mạng ra đi như vậy trong những tháng sắp tới, kể cả sau tháng chay Ramadan của người Hồi giáo.
Tại tỉnh Aceh miền bắc Indonesia, khoảng 2.000 người tỵ nạn từ Bangladesh và người sắc tộc Rohingya theo Hồi giáo từ Myanmar đang cư ngụ sau khi được ngư dân địa phương cứu ngoài biển cả. Theo một thỏa thuận khu vực, người Rohingya có thể ở lại trại trong một năm, trong khi người Bangladesh sẽ bị gửi trả về nước.
Đối với người Rohingya, Aceh là cơ hội tỵ nạn cuối cùng sau khi họ bị các tay buôn người bỏ rơi ngoài biển.
Bà Lilian Fan, một nhân viên nhân đạo và là nhà nghiên cứu làm việc ở Aceh, nói rằng chỉ có ngư dân địa phương mới sẵn sàng tiếp cứu người Rohingya.
“Một nơi như Aceh, tự thân cũng từng chịu tác động của 30 năm xung đột, có lẽ là nơi chốn duy nhất thực sự tiếp đón người Rohingya – thực sự tiếp đón họ với một tinh thần nhân đạo như vậy. Tôi đã rất lấy làm thất vọng với các tác nhân trong khu vực này – quốc tế, khu vực, quốc gia – về mặt thiếu hoàn toàn khả năng đáp ứng để cứu vớt các sinh mạng đang lâm nguy.”
Dân chúng Aceh không xa lạ gì với những khó khăn. Tỉnh này đã hứng chịu 30 năm bạo lực chia rẽ và năm 2004 lại còn là tâm chấn của vụ động đất và sóng thần ở Ấn Độ Dương đã cướp đi 150.000 sinh mạng Indonesia chỉ riêng ở Aceh.
Dân chúng Aceh không xa lạ gì với những khó khăn. Tỉnh này đã hứng chịu 30 năm bạo lực chia rẽ và năm 2004 lại còn là tâm chấn của vụ động đất và sóng thần ở Ấn Độ Dương đã cướp đi 150.000 sinh mạng Indonesia chỉ riêng ở Aceh.
Bà Fan nói ngư dân đã bất chấp các giới chức bảo họ chớ nên can thiệp, mà thay vì thế còn đi tiếp cứu các thuyền nhân. Hải quân Indonesia, theo bà, ban đầu đã trừng phạt ngư dân bằng cách không cho tàu thuyền của họ ra khơi và rút lại giấy phép. Nhưng ngư dân tiếp tục tìm kiếm.
“Điểm sáng là sự kiện những người bình thường, ngư dân, chính ngư dân và dân làng và những người đang ở Aceh đặc biệt bản thân từng là nạn nhân của các vụ xung đột, đã thực sự tiến hành không những việc tiếp cứu mà cả tìm kiếm và tiếp cứu bởi vì họ biết có người còn ở ngoài khơi.”
Một con số ngày càng tăng người Rohingya theo Hồi giáo đã chạy trốn sự ngược đãi, bạo lực và kỳ thị ở bang Rakhine của Myanmar. Sự tuyệt vọng ngày càng tăng của người Rohingya đã đẩy họ lên những tàu thuyền của bọn buôn bán người và những cuộc hành trình gian nan để đến Malaysia và Indonesia.
Chiếc tàu đầu tiên của người Rohingya được cứu ở miền đông Aceh hôm 10 tháng 5, chiếc thứ nhì vào ngày 15 tháng 5. Trên chiếc tàu đó, tin cho hay tình trạng thiếu lương thực đã dẫn đến những vụ đánh nhau tàn bạo giữa người Rohingya và người Bangladesh. Nhân viên nhân đạo cho hay nhiều người đã thiệt mạng hay bị thương nặng. Chiếc tàu mới nhất được tìm thấy ở Aceh là vào ngày 20 tháng 5.
Chính phủ Indonesia đã ủng hộ các trại ở tỉnh Aceh, cung cấp ngân khoản 174.000 đôla cho người Bangladesh và Rohingya. Nhưng chính phủ nói họ cũng hy vọng được sự hỗ trợ của quốc tế.
Bà Htike Htike, một nhân viên nhân đạo người Rohingya và là đồng sáng lập cúa Cùng nhau Hài hòa Bình đẳng, nói rằng nhiều người tỵ nạn trong các trại lo ngại về tương lai của họ và thân nhân mà họ để lại trong nước.
“Đối với người Rohingya, chính phủ Indonesia nói họ được tạm trú trong một năm ở Aceh. Nhưng mọi người vẫn muốn biết sau đó sẽ ra sao. Hoặc là họ bị tống xuất trở lại Miến Điện, hoặc là họ có lựa chọn được ở lại Aceh hay tái định cư. Đó luôn là một câu hỏi chung cho họ.”
Bất chấp những hiểm nguy, có phần chắc sẽ có thêm người Rohingya đi tìm nơi tỵ nạn ở Indonesia. Bà Htike nói một số phụ nữ trong các trại ở Aceh có chồng đã rời khỏi Myanmar trong năm 2012 và 2013 và được cho là đang sinh sống ở Malaysia. Họ có thể tìm cách đến Aceh để đoàn tụ với gia đình sau tháng chay Ramadan của người Hồi giáo.
Những người khác còn ở lại bang Rakhine ở Miến Điện cũng có để tìm cách liều mạng thực hiện cuộc hành trình trong mùa mưa, trước khi biển lặng vào tháng 10.
“Họ vẫn muốn đoàn tụ với gia đình ở Malaysia. Đa số phụ nữ có chồng ở Malaysia. Vì thế khả năng là mọi người lại lên đường ra biển sau tháng Ramadan. Họ có thể tìm cách đoàn tụ với gia đình ở Aceh từ bang Rakhine.”
Nhân viên của các tổ chức nhân quyền nói nếu Myanmar không có biện pháp xoa dịu vấn nạn người Rohingya trong nước thì sẽ có thêm người sẵn sàng ra khơi trong những tháng sắp tới.