Thủ tướng Australia, ông Tony Abbott, đã bị áp lực của công chúng đòi giải thích những cáo buộc cho rằng các giới chức biên phòng đã trả cho những tay buôn bán người hàng ngàn đôla để bỏ rơi hành trình của họ. Các tổ chức nhân quyền và các chính trị gia đối lập nói những cáo buộc này đã làm phương hại đến uy tín của Australia.
Cảnh sát Indonesia nói thuyền trưởng một chiếc tàu chở lậu người nói rằng nhân viên biên giới của Australia đã trả cho ông và thủy thủ đoàn của ông hàng ngàn đôla để quay tàu lại và trở về Indonesia.
Một tàu hải quân Australia đã chận chiếc tàu chở người lậu ngoài khơi Java vào ngày 20 tháng 5 trong lúc đang chở 65 hành khách, phần lớn từ Sri Lanka cũng như Bangladesh. Tin cho hay những người này đang tìm cách đến New Zealand.
Cảnh sát Indonesia ở tỉnh Đông Nusa Tenggara nói viên thuyền trưởng này cùng thủy thủ đoàn 5 người của ông mỗi người đã trả khoảng 3.800 đôla để chiếc tàu quay về. Chiếc tàu sau đó đã đâm vào một bờ đá ở một hòn đảo hẻo lánh. Một người phát ngôn chính phủ cho hay Indonesia sẽ mở một cuộc điều tra về những cáo buộc đó.
Chính sách cứng rắn
Cả ngoại trưởng Australia Julie Bishop lẫn Bộ trường Di trú Peter Dutton đều bác bỏ các bàn tin. Nhưng ông Abbot, phát biểu trên đài phát thanh thương mại Úc hôm nay đã từ chối khộng đề cập đến những khẳng định chi tiền cho viên thuyền trưởng và đoàn thủy thủ.
“Chúng tôi không bình luận về các vấn đề điều hành, nhưng chúng tôi nhất quyết bảo đảm rằng tàu thuyền bất hợp pháp không được đến Australia. Điều chúng tôi làm là ngăn chặn những tàu thuyền này bắng mọi cách. Tôi sẽ không đi vào những ‘giả định’. Điều quan trọng là chúng tôi chận các tàu thuyền đó lại”.
Chính sách của Australia vẫn là ngăn chặn tàu thuyền đến bờ biển Australia và ngăn không cho những người có thể muốn đi di trú thực hiện cuộc hành trình. Giới hữu trách đang gửi những người muốn xin tỵ nạn đến các trại ở Papua New Guniea và Nauru để giam giữ dài hạn.
Chính sách cứng rắn này đã dẫn đến những lời chỉ trích từ phía đối lập chính trị và các tổ chức nhân quyền, nhưng việc cáo buộc trả tiền cho các tay buôn người đã đưa đến những cáo buộc cho rằng Australia vi phạm luật quốc tế.
Thượng nghị sĩ Sarah Hanson-Young thuộc Đảng Xanh đối lập chỉ trích việc ông Abbott không giải tỏa những lời cáo buộc đó.
“Sự kiện Thủ tướng không loại trừ việc các giới chức Úc đã trả hàng ngàn đôla cho các cá nhân lái một chiếc tàu xin tỵ nạn để hối lộ cho họ đưa tàu trở lại Indonesia – nếu quả thật là như vậy thì đó là điều lạ lùng và chưa từng thấy từ trước đến nay. Nó làm ta tự hỏi thực sự mọi việc xấu đến mức nào ngoài biển khơi”.
Tại một cuộc họp báo mới đây ở Bangkok, Thái Lan, về sự đi lại bất hợp pháp ở Đông Nam châu Á, đại diện của Australia kêu gọi có một giải pháp cho vấn đề đưa người lậu và mua bán người.
Ảnh hưởng thanh danh của Úc
Đại diện tổ chức Human Rights Watch ở Australia, bà Elaine Pearson, nói việc ông Abbot không phủ nhận những cáo buộc trả tiền là điều ‘đáng lo ngại.’ Bà Pearson nói những cáo buộc có khả năng làm tổn thương đến thanh danh của Australia ở Đông Nam Á.
“Thực là hết sức tai hại cho uy tín của Australia trong khu vực. Tham gia vào các hoạt động đơn phương như đẩy tàu bè trở lại Indonesia, hay thực sự trả tiền cho những tay buôn người để trả người về nước, cho thấy Australia không quan tâm đến những biện pháp có thể là một đường lối trong khu vực”.
Trong những tháng gần đây, Đông Nam Á đã chật vật đối phó với luồng người tỵ nạn Rohingya Hồi giáo vô tổ quốc từ bang Rakhine miền tây Myanmar đang trốn chạy nạn ngược đãi, bạo lực và lưu đày xã hội.
Hàng ngàn người tị nạn bị kẹt trên các tàu thuyền ngoài biển Andaman sau khi xảy ra một vụ trấn át ở Thái Lan và các tay buôn người bỏ rơi tàu thuyền ngoài khơi.
Nhưng nhân viên nhân đạo nói với đài VOA rằng trong khi đã có một sự lắng xuống về số tàu thuyền của các tay buôn người ra khơi thì số tàu thuyền đang sẵn sàng lên đường vào những tháng sắp tới.