Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc gia tăng đầu tư của Mỹ vào châu Phi trong chuyến công du Kenya của ông và trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo Doanh nghiệp Toàn cầu. Các giới chức Hoa Kỳ cho hay gần một nửa số công ăn việc làm tại châu Phi do các doanh nghiệp nhỏ tạo ra, trong đó có nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Trong bài tường trình sau đây, thông tín viên Tòa Bạch Ốc Aru Pande của đài VOA hỏi chuyện một nhà xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Rwanda, một nhà doanh nghiệp, được sự trợ giúp của Mỹ, đã giúp thay đổi cuộc sống cho hàng ngàn phụ nữ.
Cuộc diệt chủng ở Rwanda đã sát hại nhiều gia đình, đẩy nhiều phụ nữ vào hoàn cảnh phải tự xoay sở.
Nhưng bà Janet Nkubana và em gái của bà đã nghĩ ra một phương cách để giúp cho nhiều phụ nữ Rwanda có thể tự mưu sinh. Họ bán những chiếc giỏ do họ đan tay cho các doanh nghiệp bán hàng lớn ở nước ngoài, như Macy's của Mỹ, qua công ty xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Gahaya Links của bà Nkubana.
"Chúng tôi thực sự đã giúp cho được khoảng 3.000 phụ nữ trong các cộng đồng Rwanda. Các phụ nữ này không còn phải ra đường xin ăn nữa, mà họ đã có thể mua được bảo hiểm sức khỏe và họ đã có thể cho con cái đến trường".
Bà Nkubana ca ngợi Luật Cơ hội Tăng trưởng cho Phi châu năm 2000 đã mở cửa thị trường Mỹ cho các nhà doanh nghiệp châu Phi như chính bà. Quỹ Phát triển Phi châu được chính phủ Mỹ tài trợ đã cung cấp cho bà sự huấn luyện và khoản tài trợ cần thiết để bà khởi nghiệp cách đây một thập niên.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ
Chủ tịch Quỹ Phát triển Phi châu, ông Jack Leslie, nói rằng mục tiêu của tổ chức ông là làm việc với những nơi thiếu sự hỗ trợ cần thiết ở châu Phi, nơi mà các doanh nghiệp nhỏ tạo ra khoảng 50% công ăn việc làm cho châu lục.
"Châu Phi, để qúy vị có thể hình dung, chỉ nhận được 3% đầu tư trực tiếp nước ngoài. Do đó, giúp cho các tiềm năng này phát triển và giúp cho các doanh nghiệp thực sự tạo ra công ăn việc làm này là hết sức quan trọng, và đó là những đầu tư tốt".
Ông Leslie nói rằng chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Kenya và phát biểu của ông tại Hội nghị Thượng đỉnh các Lãnh đạo Doanh nghiệp Toàn cầu sẽ thu hút sự chú ý của thế giới vào một làn sóng hoạt động kinh tế mới ở Phi châu.
"Nhiều người đang bàn tán về thảo nguyên Silicon ở Đông Phi, nơi đang chứng kiến những bước nhảy vọt kỳ diệu trong công nghệ di động. Trong nhiều khía cạnh, người Kenya đang tiến xa hơn chúng ta ở Hoa Kỳ, chẳng hạn như trong lãnh vực ngân hành di động".
Vấn đề hạ tầng cơ sở
Nhưng ngoài việc hỗ trợ cho các nhà doanh nghiệp nhỏ, Quỹ Phát triển Phi châu còn kết hợp với những công ty lớn của Mỹ như GE để mang điện đến cho nhiều người dân châu Phi hơn.
Giám đốc chi nhánh Phi châu của GE, ông Jay Ireland nói rằng châu Phi mở ra những tiềm năng đầu tư lớn, nhưng hạ tầng cơ sở thích hợp sẽ là yếu tố then chốt của tăng trưởng kinh tế.
"Điện sẽ là vấn đề thiết yếu. Và họ cần phải có điện để thu hút ngành sản xuất, và họ cần có điện cho bất cứ cái gì, cho khai thác mỏ, khai thác dầu khí, cho các cửa hàng buôn bán. Tất cả cần có điện. Do đó quý vị đang chứng kiến một sự thiếu hụt điện năng rất lớn tại một loạt các nước ở đây".
Công ty GE, Quỹ Phát triển Phi châu và các tổ chức khác đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ đi tìm những giải pháp thay thế cho việc chưa có lưới điện.
Đối với bà Janet Nkubana, đầu tư vào các nhà doanh nghiệp, đặc biệt là phụ nữ, là yếu tố then chốt để thúc đẩy cho kinh tế phát triển trên cả nước.
"Trợ lực cho tôi, tạo cho chúng tôi cơ hội là quý vị đang tạo cơ hội cho một thế hệ của ngày mai".