Chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama bắt đầu chuyến đi thăm Châu Phi lần thứ tư, Bộ Ngoại giao đã lập lại lời cảnh báo về những vụ tấn công khủng bố có thể xảy ra tại Kenya. Ông Obama sẽ du hành đến quê cha đất tổ và đi thăm nước láng giềng Ethiopia, giữa lời cảnh báo du hành viện dẫn nhiều vụ tấn công của tổ chức có liên hệ với al-Qaida là al-Shabab, trong đó có vụ tấn công hồi tháng 4 vào trường Đại học Garissa ở miền đông Kenya làm 148 người thiệt mạng, hầu hết là sinh viên.
Theo dự kiến, chống khủng bố sẽ là trọng điểm của các cuộc đàm phán ở Nairobi và Addis Ababa, nơi ông Obama sẽ là vị tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ đến thăm Ethiopia và trụ sở Liên hiệp Châu Phi.
Khi được hỏi tại cuộc họp báo hôm 15 tháng 7 về cuộc du hành đến quê cha, Tổng thống Obama nói ông hy vọng sẽ chuyển đi thông điệp rằng Hoa Kỳ là một đối tác vững mạnh của Kenya và Châu Phi phía nam sa mạc Sahara.
Ông Obama nói: “Xây dựng trên tiến bộ đã đạt được quanh những vấn đề giáo dục và y tế; tập trung vào những vấn đề chống khủng bố quan trọng đối với Đông Phi bởi vì al-Shabab và một số những thảm kịch đã xảy ra bên trong Kenya; và tiếp tục khuyến khích dân chủ và giảm bớt tình trạng tham nhũng nhiều khi đã ngăn cản đất nước hết sức tài năng và may mắn này.”
Chống khủng bố và tham nhũng ở Kenya
Chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ diễn ra chỉ vài ngày sau khi mở cửa lại Thương xá Westgate ở Nairobi, nơi các phần tử chủ chiến al-Shabab đã bắn chết 67 người trong một vụ vây hãm năm 2013. Trong tài liệu “Các bài học từ Garissa,” cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Kenya William Mark Bellamy viết với những vụ tấn công như thế, al-Shabab hy vọng đẩy lui lực lượng Kenya ra khỏi Somalia, chia rẽ và tách rời các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc của Kenya chống lại nhau, và khiêu khích những phản ứng gay gắt quá đáng của chính phủ Kenya và lực lượng an ninh nước này.
Ông Bellamy viết, nhóm có liên hệ với al-Qaida này dường như đạt được mục tiêu cuối cùng, viện dẫn những vụ trấn át an ninh nhắm mục tiêu vào các cộng đồng Hòi giáo, với hàng ngàn người sắc tộc Somalia bị vây bắt và đe dọa truy tố và trục xuất.
Vị cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược nói ngoài việc sách nhiễu các cộng đồng dân sự, tham nhũng cũng tràn lan trong lực lượng an ninh Kenya. Cựu đại sứ Bellamy nói với đài VOA rằng có phần chắc chính phủ Kenay sẽ hy vọng được Hoa Kỳ gia tăng viện trợ an ninh nhân chuyến thăm của Tổng thống Obama.
“Chúng ta có nhiều hình thức viện trợ có thể cung cấp, nhưng một yếu tố chủ chốt, thiết yếu trong tất cả việc này là sự cần thiết phải tiến hành cải cách bên trong các dịch vụ an ninh của Kenya. Sẽ không phải là vấn đề cung cấp thêm thiết bị và huấn luyện và tình báo cho lực lượng an ninh Kenya. Có một số bước mà phía Kenya cần phải đối phó với một số các khuyết điểm nội bộ nghiêm trọng của họ.”
Ông Bronwyn Bruton thuộc Hội đồng Đại Tây Dương nói trong khi có thể cần sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống lại al-Shabab, Kenya trước tiên phải giải quyết tình trạng thiếu khả năng và thiện chí tiến hành các sách lược thích nghi chống khủng bố.
Ông Bruton nói: “Nhiều lần ta thấy một tình huống trong đó al-Shabab tấn công và những gì sẽ được đưa lên hàng đầu tin tức sau đó. Phải, đó là sự tàn ác của al-Shabab, nhưng cũng là sự kém hữu hiệu trong phản ứng của cảnh sát, trong trường hợp vụ tấn công vào Westgate, và trong trường hợp vụ tấn công đại học Garissa. Trong cả hai vụ ấy, ta thấy sự tàn ác của cảnh sát kèm với một mức độ bao la về tham nhũng, và tôi cho rằng điều ấy làm giảm thiểu đáng kể sự tin tưởng của người dân đặt vào chính phủ.”
“Sự kiện Ethiopia sắp được Tổng thống Obama đến thăm sau bản án kết tội đó và sau kết quả bầu cử 100 phần trăm số ghế về tay một đảng, gửi đi một thông điệp tai hại cho chính phủ Ethiopia".Ông Bronwyn Bruton thuộc Hội đồng Đại Tây Dương
Chống tham nhũng và vấn đề nhân quyền ở Ethiopia
Các nỗ lực chống tham nhũng nhắm vào các nhóm chủ chiến có phần chắc sẽ đóng một vai trò trong chuyến đi của Tổng thống Obama đến nước láng giềng Ethiopia. Ông Jeffrey Smith thuộc Trung tâm Công lý và Nhân quyền Robert F. Kennedy ở Washington nói Hoa Kỳ coi Ethiopia như một đồng minh chủ chốt trong vùng, nhất là trong cuộc chiến chống lại al-Shabab.
Ông Smith nói: “Chúng ta đã thấy những vụ tấn công xuyên biên giới ở Kenya, chúng ta đã thấy sự rối loạn bọn chúng gây ra ở Somalia, và Ethiopia thực sự được coi là một thành trì chống lại, không những về mặt hợp tác khu vực, mà còn qua việc góp quân vào các sứ mạng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp Phi châu trên khắp lục địa. Vì thế về mặt ấy, nhất là vai trò của họ trong vụ khủng hoảng Sudan, vụ khủng hoảng Nam Sudan, vai trò của họ là một hình thức một nhà điều giải trong khu vực.
Nhưng ông Smith, người đã viết một bài xã luận trong tạp chí Chính sách Đối ngoại có tựa đề là “Obama nên tránh xa Ethiopia", nói rằng chuyến thăm của Tổng thống Obama gửi đi một thông điệp sai lạc, viện dẫn chế độ đàn áp của Ethiopia.
Ông Smith nêu ra rằng, “Điều mà mọi người không biết là Ethiopia là nước bị kiểm duyệt đứng hàng thứ tư trên thế giới. Họ là nước bỏ tù các ký giả đứng hàng thứ hai trong toàn bộ lục địa, sau Eritrea. Kể từ năm 2010, 60 ký giả đã bỏ chạy ra khỏi nước vì bị hăm dọa, xách nhiễu và ngược đãi.”
Ông Bruton của Hội đồng Đại Tây Dương, người đã gặp các nhà hoạt động dân chủ Hồi giáo ở Ethiopia, một số vừa bị kết tội khủng bố, cũng gọi chuyến đi của Tổng thống Obama là một sai lầm.
“Sự kiện Ethiopia sắp được Tổng thống Obama đến thăm sau bản án kết tội đó và sau kết quả bầu cử 100 phần trăm số ghế về tay một đảng, gửi đi một thông điệp tai hại cho chính phủ Ethiopia.”
Một giới chức chính quyền Obama nói với đài VOA rằng Hoa Kỳ thường xuyên hối thúc cải cách và truyền đạt những quan ngại về nhân quyền với chính phủ Ethiopia, cả nơi công cộng lẫn nơi riêng tư.
Giới chức chính quyền này nói Hoa Kỳ tin rằng chính phủ Ethiopia “đã sử dụng Tuyên ngôn Chống Khủng bố năm 2009 (ATP) một cách bất xứng để bỏ tù các ký giả và các thành viên của đảng đối lập.” Khi được hỏi vì sao Tổng thống Obama lại chọn đi thăm Ethiopia, giới chức này nêu ra rằng “chúng ta giao tiếp để chúng ta có thể hối thúc và định hình cách hành xử trong những lãnh vực này".