Thủ tướng Việt Nam gặp Biden, Tập bên lề Thượng đỉnh G20

Các nhà lãnh đạo thế giới tại Thượng đỉnh G20 ở Rio de Jainero, Brazil

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm 18/11 đã có các cuộc tiếp xúc với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Brazil, theo truyền thông trong nước, để khẳng định thêm tầm quan trọng của mối quan hệ mà Hà Nội đang có với hai cường quốc lớn nhất thế giới.

Cuộc gặp với ông Biden cũng là lời chia tay của ông Chính đối với Tổng thống Mỹ khi ông Biden sẽ chấm dứt nhiệm kỳ trong hai tháng nữa, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ. Ông Chính được dẫn lời cảm ơn ông Biden về sự ủng hộ mạnh mẽ đối với quan hệ Mỹ-Việt.

Tổng thống Biden cùng với cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam đã đưa quan hệ Mỹ-Việt lên mức cao nhất – đối tác chiến lược toàn diện – vào tháng 9 năm 2023, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong quan hệ hai nước.

Ông Chính cũng được Tuổi Trẻ dẫn lời nói ông mong ông Biden sẽ “tiếp tục ủng hộ và đóng góp thiết thực cho quan hệ song phương” dù không còn là tổng thống trong khi ông Biden được cho là nói với ông Chính rằng ông sẽ luôn ủng hộ quan hệ Mỹ-Việt.

Trước đó, hôm 15/11, ông Biden cũng đã có cuộc gặp với người tương nhiệm Việt Nam Lương Cường tại Peru nhân dịp hai ông dự Hội nghị cấp cao APEC. Khi đó, ông Cường được tờ Lao Động dẫn lời nói với ông Biden rằng Việt Nam xem Mỹ là “đối tác có tầm quan trọng chiến lược”.

Còn tại cuộc gặp với ông Tập, báo Chính phủ cho biết ông Chính một lần nữa khẳng định với chủ tịch Trung Quốc rằng Hà Nội xem Bắc Kinh là lựa chọn chiến lược trong chính sách đối ngoại của mình, điều mà các lãnh đạo Việt Nam luôn nhắc tới khi gặp lãnh đạo nước Cộng sản láng giềng.

Ông Chính đã có các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong một thời gian ngắn. Chưa đầy hai tuần trước khi gặp ông Tập ở APEC, ông Chính đã hội kiến người đồng cấp Trung Quốc Lý Cường tại Côn Minh ở Vân Nam hồi tháng 7 bên lề các cuộc họp Thượng đỉnh khu vực sông Mekong.

Tại Brazil, ông Tập được dẫn lời nói với ông Chính rằng các cuộc tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo hai nước “thể hiện sự thân thiết và tin cậy giữa hai nước”. Bản thân ông Tập mới vài ngày trước cũng đã có cuộc gặp với ông Cường bên lề Hội nghị cấp cao APEC tại Peru.

Theo báo Chính phủ, chủ tịch Trung Quốc nói rằng ông mong nước hai nước tăng cường hợp tác thực chất, trước nhất là trong xây dựng ba tuyến đường sắt kết nối hai nước.

Ông Chính cũng đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Indonesia và Liên minh châu Âu tại Brazil, theo truyền thông trong nước.

Cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron của ông Chính là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai nước sau khi Việt Nam và Pháp nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện hồi tháng 9 nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng bí thư-Chủ tịch nước Tô Lâm đến Paris. Theo tường thuật của báo Chính phủ, ông Macron và ông Chính đều nói rằng đây là bước tiến có ý nghĩa đột phá, trong khi nguyên thủ Pháp mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI).

Ông Chính cũng đã có cuộc gặp đầu tiên với tân Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto sau khi ông nhậm chức cách nay một tháng. Vẫn theo báo Chính phủ, thủ tướng Việt Nam bày tỏ với nhà lãnh đạo nước láng giềng Đông Nam Á mong muốn nâng cấp quan hệ hai nước, hiện ở mức đối tác chiến lược, lên mức cao hơn trong thời gian tới và đưa kim ngạch giao thương hai nước đạt mốc 18 tỷ USD.

Còn tại cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ông Chính được Tuổi Trẻ dẫn lời kêu gọi Ấn Độ đầu tư vào hạ tầng giao thông vận tải, logistics, công nghệ cao, dầu khí, năng lượng tái tạo… của Việt Nam cũng như mời ông Modi sang thăm Hà Nội.

Trong các cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Ishiba Shigeru và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, ông Chính đã kêu gọi hai nước này tiếp tục cung cấp viện trợ phát triển chính thức, tức ODA, cho Việt Nam, cũng theo tường thuật của Tuổi Trẻ.

Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam trong khi Jakarta được kỳ vọng là sẽ nâng cấp quan hệ với Hà Nội lên mức này trong thời gian tới.

Cũng trong thời gian tại Brazil, theo báo Chính phủ, ông Chính đã gặp người đồng cấp Đức Olaf Scholz để trao đổi về các biện pháp đưa quan hệ hai nước, hiện là đối tác chiến lược, lên tầm cao mới.

Việt Nam duy trì quan hệ với nhiều nước trên thế giới trong chính sách đa phương hóa và đa dạng hóa của mình. Chính sách ngoại giao “cây tre”, do ông Trọng đưa ra, đã được quốc tế ca ngợi vì giúp Việt Nam cân bằng mối quan hệ với các cường quốc đối đầu nhau như Mỹ, Trung Quốc và Nga.