Hôm 12/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đang đặt mục tiêu khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2022 trong nỗ lực khôi phục nền kinh tế bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp phía nam, đang vật lộn để hoạt động trở lại do tình trạng thiếu lao động sau khi hàng trăm nghìn công nhân từ các trung tâm công nghiệp đi về quê vào tháng 10 khi nới lỏng giãn cách xã hội.
XEM THÊM: ‘Nhà đầu tư không vì khó khăn tạm thời mà rời bỏ Việt Nam’Ông Phạm Minh Chính phát biểu khi báo cáo giải trình trước Quốc hội:
“Đợt lây nhiễm COVID-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường lao động, với tỷ lệ thất nghiệp cao”.
Ông Chính đưa ra giải pháp:
“Thời gian tới Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương phối hợp chặt chẽ với nhau, với doanh nghiệp, người lao động, thực hiện mọi biệp pháp cần thiết để trước mắt, trong thời gian từ nay đến cuối năm 2021, đầu năm 2022, bảo đảm thu hút đủ nguồn cung lao động, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhất là các khu kinh tế, khu công nghiệp...”
Ông Chính cho biết việc người lao động rời các trung tâm công nghiệp về quê đã đặt ra nhiều vấn đề cho các doanh nghiệp và các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh.
Trong tuần này, công ty Pou Chen của Đài Loan, nhà sản xuất giày thể thao có thương hiệu lớn nhất thế giới cho biết khoảng 6% nhân viên tại Thành phố Hồ Chí Minh đã nghỉ việc và công ty đang phải đối mặt với tình trạng gián đoạn sản xuất, theo Reuters.
Tương tự, hoạt động sản xuất tại các nhà máy của Pouyuen Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh, Long An và Đồng Nai, đã bị cắt giảm kể từ tháng 7, và thực trạng thiếu lao động và gián đoạn sản xuất đe dọa kế hoạch tái hoạt động đầy đủ trong tháng này, vẫn theo Reuters.
“Khoảng 6% tổng số nhân viên đã nghỉ việc,” ông Lu Chi Yuan, Giám đốc Pouyuen Việt Nam cho biết trong một tuyên bố sau cuộc họp giữa công ty và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.
“Chúng tôi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, sự chậm trễ đáp ứng các đơn đặt hàng lớn, và các hoạt động sản xuất và xuất khẩu bị gián đoạn,” ông Lu nói.
Your browser doesn’t support HTML5
Việt Nam là nhà sản xuất hàng may mặc lớn, cung cấp các thương hiệu như Zara, Ralph Lauren, North Face, Lacoste và Nike. Đây cũng là trung tâm sản xuất của các hãng điện tử như Samsung.
Chính quyền Việt Nam hứa sẽ hỗ trợ tài chính cho việc đi lại và ăn ở của người lao động và thúc đẩy việc tiêm phòng COVID-19.
Vào tháng 9, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Vietnam) cho biết ngày càng nhiều nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam đang xem xét chuyển các dự án sang nơi khác nếu các hạn chế về chống dịch COVID-19 của đất nước cứ tiếp tục dây dưa.
Khi ấy trình trạng giãn cách xã hội kéo dài đã gây tác động nặng nề lên nguồn cung hàng hoá của các tập đoàn lớn trên thế giới như Nike, Adidas, Gap… khiến các tập đoàn này phải tính đến phương án di dời cơ sở sản xuất ra khỏi Việt Nam.