Đường dẫn truy cập

‘Nhà đầu tư không vì khó khăn tạm thời mà rời bỏ Việt Nam’


Công nhân Việt Nam đang sản xuất hàng xuất khẩu cho thương hiệu Nike ở một nhà máy thuộc công ty may mặc Nhà Bè
Công nhân Việt Nam đang sản xuất hàng xuất khẩu cho thương hiệu Nike ở một nhà máy thuộc công ty may mặc Nhà Bè

Sản xuất đình đốn trong giai đoạn chống dịch vừa qua sẽ không khiến các nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi Việt Nam vào lúc nước này đang dần kiểm soát được dịch và đang có những điều chỉnh chống dịch để đảm bảo duy trì sản xuất, một chuyên gia từ trong nước nói với VOA.

Lưu thông hàng hóa đứt gãy do ngăn sông cấm chợ, chi phí xét nghiệm lớn, những phức tạp trong việc thực hiện ‘ba tại chỗ’ (sản xuất, ăn, ngủ tại chỗ)… vượt quá sức chịu đựng đã khiến nhiều hãng, xưởng có vốn đầu tư nước ngoài phải tạm ngừng sản xuất trong thời gian thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận thực hiện giãn cách xã hội trong 4 tháng qua.

Kể từ đầu tháng 10 khi dịch bệnh đã có dấu hiệu lắng dịu với số ca nhiễm và ca tử vong giảm mạnh, Việt Nam đã từng bước mở cửa trở lại và cho khôi phục các hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, khi giãn cách nói lỏng cũng là lúc hàng triệu công nhân từ các khu công nghiệp ồ ạt bỏ về quê, đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng thiếu hụt lao động.

Liệu lao động có trở lại?

Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu của chính phủ Việt Nam ước tính làn sóng công nhân tháo chạy này có thể lên tới hơn 2 triệu người và dẫn chứng trường hợp của cô Lê Thị Mỹ, một công nhân may mặc đã rời thành phố Hồ Chí Minh để về quê nhà ở tỉnh Tây Ninh khi mà cô ‘không còn lại gì ngoài nỗi sợ hãi’.

Hoặc là phải chôn chân ở công xưởng trong nhiều tháng, hoặc là kẹt lại nhà trọ không có tiền lương, nhiều lao động đã quyết định bỏ về quê một khi họ có thể di chuyển được, theo Bloomberg.

Cô Trần Thị Hoa, 31 tuổi, một công nhân may mặc kiếm được khoảng 350 đô la một tháng đã về quê ở miền Tây, nói với Bloomberg rằng cô ‘không có dự định quay lại thành phố vì vẫn còn quá rủi ro’ ngay cả khi công ty cho ăn trưa miễn phí.

Đó cũng là tâm trạng của bà Nguyễn Bích Thủy, 63 tuổi, cùng chồng làm công nhân sản xuất hàng gia dụng ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Nói với VOA khi bà đã về quê ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Bạc Liêu, bà nói bà ‘sẽ ở lại quê luôn’ và ‘có cháo ăn cháo, có rau ăn rau’ vì bà thấy trong đại dịch ‘cuộc sống quá bấp bênh’.

Công ty Pouyuen Việt Nam, hãng sản xuất giày thể thao của Đài Loan sử dụng rất đông lao động ở thành phố Hồ Chí Minh, cho biết họ đã nối lại sản xuất vào ngày 6/10 với không quá 30% công nhân. Hơn 40.000 công nhân đã không trở lại và công ty có thể không đạt được mục tiêu hoạt động hết công suất vào giữa tháng 11, theo trang tin Zing.

Bloomberg cho biết chính quyền các địa phương đã gửi tin nhắn cho công nhân để thuyết phục họ trở lại, cũng như thuê xe để đưa họ trở về. Còn các công ty đang ‘năn nỉ’ công nhân trở lại làm việc với lời hứa tăng lương và phúc lợi.

Tuy nhiên, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nói với VOA bà không lo lắng lắm về tình trạng thiếu hụt lao động này.

Bà cho biết một số cuộc khảo sát tại chỗ ở các khu công nghiệp ở các tỉnh phía Nam vừa qua cho thấy ‘tỉ lệ lao động về quê chỉ từ 5-10 %’. Theo lời bà thì Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ‘đến các khu trọ của người lao động hỗ trợ họ rất nhiều để họ có thể yên tâm ở lại’.

“Có doanh nghiệp tạm thời cho công nhân nghỉ nhưng vẫn trả lương ở mức nhất định để họ có thể trụ lại ở Sài Gòn,” bà nói với VOA từ Hà Nội. “Những doanh nghiệp này hoàn toàn có thể phục hồi nếu có đơn hàng.”

Tuy nhiên, bà Lan cho rằng không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng nhận công nhân trở lại nên ‘tạm thời phải cho họ về quê vài ba tháng cho đến khi họ phục hồi được hoàn toàn’ mà bà cho là ‘phải cần ít nhất nửa năm nữa’.

“Trước mắt tôi chưa nghĩ là tất cả doanh nghiệp sẽ cần ngay tất cả các lao động đã về quê quay trở lại làm việc cho họ đâu,” bà nói.

Trong trường hợp có thiếu lao động, bà Lan nói các doanh nghiệp có thể tận dụng đội ngũ đông đảo những người lao động tự do trong các ngành nghề chưa mở cửa lại được như kinh doanh vỉa hè…

Bà cũng dự đoán rằng khi đã trở về quê thì cuộc sống của những công nhân này ‘cũng không hề dễ dàng’ vì ‘hầu hết ra đi từ những nơi nghèo khó’ và do đó về lâu dài họ có thể quay trở lại thành phố để tìm kế sinh nhai.

‘Có phần nặng tay’

Dịch bệnh bùng phát dữ dội do biến chủng Delta đã khiến chính quyền Việt Nam áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, chẳng hạn như phong tỏa cứng, triển khai quân đội phân phát nhu yếu phẩm. Các nhà máy được yêu cầu phải thực hiện ‘ba tại chỗ’, tức là dựng lều bạt cho công nhân ở lại, nếu không phải tạm thời ngưng sản xuất.

Các hãng xưởng đã phải giảm quy mô sản xuất hoặc phải đóng cửa. Thương hiệu giày thể thao Nike của Mỹ đã mất sản lượng tương đương nhiều tháng, theo Bloomberg, và tình trạng này đã ‘làm trầm trọng thêm các vấn đề của chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã bị xáo trộn’, cũng theo hãng tin này.

“Mặc dù là nước nhỏ, Việt Nam đóng vai trò lớn hơn nhiều trong nền kinh tế tiêu dùng toàn cầu, cung cấp mọi thứ từ đồ nội thất bán ở chuỗi bán lẻ Walmart hay giày thể thao cho Adidas và linh kiện điện thoại thông minh cho Samsung. Sau Trung Quốc, nước này là nhà cung cấp quần áo và giày dép lớn thứ hai vào thị trường Mỹ,” Bloomberg cho biết.

Nếu những công nhân như cô Lê Thị Mỹ không trở lại làm việc, thì có nguy cơ các gia đình ở Mỹ và châu Âu trong mùa Giáng sinh này không có những trang phục làm quà đặt dưới cây thông Noel, cũng theo hãng tin này.

Bà Phạm Chi Lan thừa nhận với VOA những giải pháp chống dịch của Việt Nam ‘có phần nặng tay’.

“Nhưng thực ra cái nặng tay đó xuất phát từ lo lắng là dịch bệnh lan truyền quá nhanh,” bà giải thích.

“Ở tại nơi có cơ sở y tế tốt hơn hết như thành phố Hồ Chí Minh mà còn bị như vậy thì các nơi khác hoảng sợ cũng có thể hiểu được. Khi hoảng sợ, lúng túng thì họ tìm cách ngăn chặn dịch,” bà nói thêm để lý giải vì sao chính quyền các địa phương làm gắt gao hơn yêu cầu của Chính phủ trung ương gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bà cho biết chính phủ Việt Nam ‘đã rút ra bài học kinh nghiệm’ với bằng chứng là Nghị quyết 128 vừa qua đã xác định ‘thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19’ thay cho phương châm ‘chống dịch như chống giặc’ trước đây.

“Từ đó chính phủ đã đưa ra một loạt chỉ đạo mới và quan tâm đến việc thực hiện ở địa phương như thế nào, tránh tình trạng làm quá mức hay cát cứ,” bà Lan nói thêm.

“Sẽ tập trung vào những điểm nào có nguy cơ cao hay đang xảy ra dịch bệnh ở điểm nào thì khoanh điểm đó thôi chứ không cách ly quá rộng,” bà nói về bài học kinh nghiệm trong thực hiện giãn cách ở Việt Nam để đảm bảo các hoạt động kinh tế diễn ra bình thường.

Theo lời bà thì các mô hình như ‘ba tại chỗ’, ‘một cung đường hai điểm đến’ nếu dịch bệnh có bùng phát lần nữa ‘thì sẽ không thực hiện tràn lan như trước nữa’.

‘Sẽ không tháo chạy’

Bất chấp những khó khăn vì dịch bệnh, bà Lan cho rằng ‘sẽ không có sự dịch chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam’.

“Trên thực tế tôi quan sát thì việc dịch chuyển cho đến nay chỉ là dịch chuyển một số đơn hàng nhất là các đơn hàng mang tính thời vụ,” bà cho biết. “Khi họ gặp khó khăn ở Việt Nam, họ phải tìm cách tạm thời chuyển đơn hàng đi nơi khác.”

Bây giờ khi Việt Nam đã kiểm soát được dịch và có những chính sách mới rõ ràng, các doanh nghiệp nước ngoài ‘có thể tin tưởng là Việt Nam trong tương lai có thể xử lý tốt nếu dịch bệnh trở lại’, cũng theo lời bà Lan.

“Thủ tướng cũng đã có nhiều cuộc đối thoại với các nhóm nhà đầu tư khác nhau và đã thực sự lắng nghe, chấp nhận kiến nghị của các nhà đầu tư nước ngoài để giữ chân họ ở lại Việt Nam,” bà nói.

“Sự dịch chuyển hoàn toàn đi nơi khác không phải dễ dàng trong thế giới bây giờ,” bà Lan khẳng định.

Tại thời điểm này, những thương hiệu như Nike, vốn gần đây đã cắt giảm dự báo doanh số chủ yếu do thiếu nguồn cung từ Việt Nam, không thể làm gì được nhiều, Bloomberg cho biết, vì ‘sẽ mất vài tháng để đào tạo công nhân và di chuyển máy móc’.

VOA Express

XS
SM
MD
LG