Giới hoạt động bày tỏ sự thất vọng trước phát biểu của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính về “thành tích nhân quyền” tại quốc gia cộng sản, nói rằng Hà Nội luôn sử dụng các biện pháp “tuyên truyền”, “mị dân” để nói về các giá trị nhân quyền phổ quát mà quốc tế công nhận.
Thủ tướng Chính ca ngợi rằng thời gian qua, việc bảo đảm quyền con người, triển khai giáo dục về quyền con người tại Việt Nam “đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, khía cạnh”, trong đó nhà lãnh đạo Việt Nam nhấn mạnh đến yếu tố “đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên”, theo Cổng thông tin Chính phủ hôm 11/12.
“Nhân quyền lớn nhất của Việt Nam là làm sao để hơn 100 triệu người dân được sống trong tự do, ấm no và hạnh phúc, an ninh, an toàn, an dân”, Thủ tướng Chính nhấn mạnh.
Ông Chính nhìn nhận đây là thành tích hàng đầu của đất nước về nhân quyền trong 79 năm qua kể từ khi thành lập và gần 40 năm đổi mới, chủ yếu nhằm mang lại “lợi ích chính đáng” cho người dân và nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ông Chính nói như trên khi ông chủ trì Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.
Không thể ban phát nhân quyền
“Đúng ra nhân quyền là quyền vốn có của con người, có từ khi mới sinh ra, hoặc có từ lúc một thai nhi được đối xử như một con người, theo pháp luật, chứ không phải đến từ sự ban phát của nhà cầm quyền”, nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, chia sẻ quan điểm với VOA.
Ông Dũng nhận định rằng phát biểu trên của ông Chính, “dù có tính tiến bộ, vẫn mang tính chất coi nhân quyền là thứ có thể được ban phát bởi ‘đảng và nhà nước’”.
“Phát biểu của ông Phạm Minh Chính về nhân quyền nhấn mạnh người dân được ấm no về mặt an sinh xã hội và chú trọng giáo dục về quyền con người về mặt lý thuyết là đúng, nhưng thực tế, lý thuyết này chưa được thực hiện tại Việt Nam”, cựu tù nhân chính trị Huỳnh Thị Tố Nga, nêu nhận định với VOA.
“Việt Nam có khoảng 10 triệu người còn sống trong nghèo đói, GDP đầu người còn ở mức trung bình thấp so với tiêu chuẩn quốc tế. Đời sống người dân bị kiểm soát chặt chẽ từ sinh hoạt cơ bản cho đến tinh thần, qua việc Bộ Công an điều động lực lượng an ninh cơ sở để kiểm soát từng ngóc ngách đời sống người dân”, bà Nga, người từng bị kết án 5 năm tù với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”, nhận xét.
Sau khi ra tù vào tháng 3/2023, bà Nga cho biết rằng an ninh vẫn luôn theo dõi và sách nhiễu bà và gia đình khiến bà phải sang Thái Lan lánh nạn vào tháng 9/2024.
Tại hội thảo, Thủ tướng Chính phát biểu: “Mọi người dân đều được sống trong môi trường hòa bình với độc lập chủ quyền được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; mọi người dân đều được hưởng quyền tự do dân chủ, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, tự do sáng tạo và bình đẳng trước pháp luật”.
Trái ngược với những mỹ từ của nhà lãnh đạo Việt Nam, giới hoạt động chia sẻ những điều mà bản thân họ đã phải trải qua, khiến họ quyết định rời khỏi quê hương.
“Lực lượng an ninh mạng luôn tìm cách đánh phá những người phản biện trên mạng xã hội, công an tăng cường triển khai đàn áp những người họ quy chụp có hành vi, ngôn luận chống phá nhà nước”, bà Nga nêu thực trạng vi phạm nghiêm nhân quyền ở Việt Nam.
“Các sai phạm và đàn áp của họ thể hiện rõ nhất qua các quyền tự do biểu đạt, tự do tôn giáo; là hai trong các quyền mà bị đàn áp nặng nề nhất ở Việt Nam trong thời gian vừa qua”, ông Nguyễn Viết Dũng, người đã rời Việt Nam từ cuối năm 2023 để lánh nạn ở nước ngoài, đưa ra nhận xét.
Từ Đức, cựu tù nhân chính trị Nguyễn Tiến Trung, đưa ra quan sát về phát biểu của ông Chính:
“Người dân Việt Nam quá chán với việc tuyên truyền rồi. Bản thân và thực tế cuộc sống nói lên tất cả là người Việt không ngừng bỏ nước ra đi. Chẳng hạn như có rất nhiều người chết trên đường vượt biển đến Anh. Bản thân tôi đang ở Đức, nơi cũng có rất nhiều người Việt nhập cư lậu đến Đức”.
“Người dân chỉ muốn đi đến nơi nào mà thật sự được sống tự do, ấm no và hạnh phúc, và đó không phải là Việt Nam như lời của ông Phạm Minh Chính tuyên truyền”.
Nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung ra tù năm 2014 sau án tù 7 năm với tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Ông và gia đình phải rời Việt Nam và đến Thái Lan làm thủ tục tị nạn vào tháng 8/2023 sau nhiều lần bị an ninh Việt Nam theo dõi và thậm chí là “bắt cóc” lên đồn làm việc.
Luật sư Vũ Đức Khanh ở Canada lập luận rằng nhân quyền là quyền tự có của con người, không thể bị phân mảnh hay ưu tiên quyền kinh tế mà coi nhẹ quyền chính trị. Ông nói với VOA: “Hạnh phúc không thể thực sự tồn tại nếu thiếu tự do bầu cử, báo chí độc lập và quyền phản biện ôn hòa. Nhân quyền không thể bị phân mảnh: tự do dân sự và chính trị là nền tảng để đảm bảo các quyền kinh tế-xã hội”.
Về cách thức giáo dục quyền con người tại Việt Nam, ông Khanh nhận định: “Chương trình giáo dục của nhà cầm quyền Việt Nam không thực sự đề cao quyền con người như họ tuyên bố. Thay vào đó, họ nhồi nhét học sinh, sinh viên chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, buộc công dân phải trung thành với Đảng Cộng sản. Điều này tạo ra những thế hệ trẻ ngày càng thiếu hiểu biết về chính trị”.
Vẫn luật sư Khanh cho rằng những gì mà chính quyền Việt Nam đang nói, đang làm về nhân quyền “chỉ là khẩu hiệu, giả dối và không thực tế”.
Tương tự, ông Nguyễn Viết Dũng, người từng bị chính quyền Việt Nam giam cầm 7 năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước”, bày tỏ quan điểm rằng Việt Nam chỉ có nhân quyền khi không còn đàn áp giới bất đồng chính kiến.
“Tôi chỉ tin là có nhân quyền khi mà những người thực hiện các quyền tự do biểu đạt, tự do tôn giáo không còn bị triệu tập hay làm việc, hay bị bắt giữ, hay bị kết án hay bị ngược đãi bởi nhà cầm quyền”, ông Nguyễn Viết Dũng nêu ý kiến.
Theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhân quyền là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những tự do cơ bản của con người.
Từ khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người vào ngày 10/12/1948 đến nay, quyền con người được phát triển thành 24 Công ước quốc tế về nhân quyền, trong đó quan trọng nhất là 2 công ước năm 1966 về các quyền dân sự, chính trị và về các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội.
Hội nghị do ông Thủ tướng Chính chủ trì diễn ra đúng vào thời điểm mà Việt Nam và các nước trên thế giới kỷ niệm 76 năm ngày Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người.
Tại Hà Nội, các cơ quan ngoại giao của các quốc gia phương Tây và đại diện Liên Hiệp Quốc đã phát đi thông điệp đề cao các giá trị căn bản của con người, đồng thời chỉ ra rằng giới lãnh đạo Việt Nam cần phải có “ý chí chính trị” để thúc đẩy hợp tác quốc tế về nhân quyền.