Đường dẫn truy cập

Giới ngoại giao và đại diện LHQ tại Việt Nam cổ vũ giá trị nhân quyền


Các nhà ngoại giao Đức bên cạnh poster Ngày Nhân quyền Thế giới 10/12/2024. Photo German Embassy Hanoi.
Các nhà ngoại giao Đức bên cạnh poster Ngày Nhân quyền Thế giới 10/12/2024. Photo German Embassy Hanoi.

Hôm 10/12, nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế, các cơ quan ngoại giao và đại diện Liên Hợp Quốc tại Hà Nội phát đi thông điệp đề cao các giá trị căn bản của con người, đồng thời chỉ ra rằng giới lãnh đạo Việt Nam cần phải có “ý chí chính trị” để thúc đẩy hợp tác quốc tế về nhân quyền.

“Nhân dịp Ngày Nhân quyền Quốc tế 2024, chúng tôi hoan nghênh sự tham gia của Việt Nam trong Chu kỳ thứ 4 của Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc”, Đại sứ quán Hoa Kỳ viết trong một bài đăng trên Facebook hôm 10/12.

“Chúng tôi vui mừng khi thấy Việt Nam chấp nhận nhiều khuyến nghị từ UPR, bao gồm khuyến nghị hỗ trợ tổ chức phi chính phủ (NGO). Chúng tôi chung tay tiếp tục ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy các quyền phổ quát và phẩm giá cho tất cả mọi người”, cơ quan ngoại giao của Hoa Kỳ cho biết thêm.

“Vào Ngày Nhân quyền, Liên minh châu Âu (EU) tái khẳng định cam kết vững chắc của mình đối với sự tôn trọng, bảo vệ và thực hiện đầy đủ nhân quyền cho mọi người, ở mọi nơi”, phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam dẫn tuyên bố của bà Kaja Kallas, Đại diện cấp cao về Đối ngoại/Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, nói.

“EU kiên định ủng hộ những người bảo vệ nhân quyền, xã hội dân sự, nhà báo và nhân viên truyền thông cũng như tất cả những người kêu gọi hòa bình, sự thật, công lý và trách nhiệm giải trình”, bà Kallas nhấn mạnh.

“Mọi người đều có quyền được sống trong phẩm giá, không bị phân biệt đối xử và bạo lực. Nhân quyền còn bao gồm quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Chính phủ Đức nỗ lực bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam”, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức viết trên trang Facebook chính thức.

Trong khi đó Đại sứ quán Anh tại Hà Nội đưa ra thông điệp ủng hộ các giá trị nhân quyền, bao gồm cả quyền bản địa, thiểu số, quyền tự do tôn giao, tín ngưỡng…

Cũng hôm 10/12, Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) tại Việt Nam hoan nghênh cam kết của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về nhân quyền và cho rằng việc Việt Nam tham gia vào các cơ chế này là minh chứng cho sự phù hợp lâu dài của hợp tác nhân quyền quốc tế, UNDP cho biết trong một tuyên bố.

“Biến các cam kết thành hành động đòi hỏi ý chí chính trị, lộ trình rõ ràng và nguồn lực để hỗ trợ chúng. UNDP sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong những nỗ lực này”, bà Sabina Stein, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nêu ra trong tuyên bố.

Tương tự, Điều phối viên thường trú LHQ (UN) tại Việt Nam, bà Pauline Tamesis, đề cao công lý và quyền tự do nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền.

“Trong Ngày Nhân quyền này, chúng ta hãy huy động quyết tâm mới để biến những cam kết này thành hành động cụ thể. Để đạt được tầm nhìn này đòi hỏi nỗ lực tập thể - các tổ chức chính phủ, tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng và khu vực tư nhân, mỗi tổ chức đều có vai trò quan trọng”, bà Tamesis kêu gọi.

Ngoài ra, vị đại diện LHQ tại Việt Nam nhấn mạnh rằng LHQ “luôn sát cánh” cùng Việt Nam trên hành trình duy trì và bảo vệ nhân quyền dưới mọi hình thức xã hội, văn hóa, kinh tế, dân sự và chính trị.

Truyền thông của nhà nước Việt Nam vào ngày 10/12 ca ngợi thành tích nhân quyền của nước này, lập luận rằng người dân được hưởng lợi từ những tiến bộ xã hội nhờ GDP bình quân đầu người đã tăng 25%, trong khi tỷ lệ nghèo đói giảm 1,5% mỗi năm. “Việt Nam đã có những hành động cụ thể để thực hiện quyền con người theo các công ước đã ký kết”, trang Vietnam News viết.

Đánh giá những nỗ lực nhân quyền của Việt Nam trong những năm qua, trang này dẫn lời Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: “Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, phát huy tối đa yếu tố con người”.

Từ trước đến nay, các tổ chức nhân quyền quốc tế, chính phủ các quốc gia phương Tây và các báo cáo viên đặc biệt của LHQ nhiều lần lên tiếng về tình trạng vi phạm nhân quyền của nhà nước cộng sản ở Việt Nam, nơi có hơn 220 người là những người bất đồng chính kiến, các blogger, các nhà báo độc lập đang bị giam cầm. Ở chiều ngược lại, phía Việt Nam luôn bác bỏ các cáo buộc đó, bị Hà Nội xem là “vô căn cứ”, “thiếu thiện chí”...

Ngày 10/12/1948, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền. Kể từ đó, LHQ ấn định ngày này là Ngày Nhân quyền thế giới nhằm tôn trọng và bảo vệ các quyền con người.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG