Cải thiện quan hệ sẽ là một ưu tiên hàng đầu khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong tuần này. Theo tường thuật của thông tín viên Anjana Pasricha của đài VOA ở New Dehli, trong chuyến viếng thăm 5 ngày bắt đầu từ ngày 26 tháng 9, nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng sẽ tìm cách thu hút đầu tư của Mỹ để chấn hưng kinh tế.
Trong chuyến công du 5 ngày bắt đầu vào ngày mai, Thủ tướng Modi sẽ có những cuộc gặp gỡ với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và các giới chức cấp cao khác, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ và những người nổi tiếng trong cộng đồng người Mỹ gốc Ấn, và đọc diễn văn trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York.
Thách thức của ông Modi ở Washington là làm thế nào để phục hồi mối quan hệ song phương, vốn nồng ấm, nhưng đã bị căng thẳng trong 2 năm qua vì những vụ xích mích thương mại và ngoại giao.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin hy vọng sẽ có được những thành quả đáng kể trong các lãnh vực thương mại, đầu tư, năng lượng, khoa học kỹ thuật, quan hệ quốc phòng và an ninh hải dương.
"Chúng tôi xem chuyến đi đầu tiên của Thủ tướng Modi tới New York và Washington như một dấu hiệu cho thấy sự mong muốn của chúng tôi đối với việc phát triển quan hệ dựa trên những mối liên hệ mỗi ngày một hội tụ nhiều hơn, cả trong các lãnh vực chúng tôi có thể làm việc chung với nhau lẫn trong các lãnh vực mà chúng tôi có thể làm nhiều hơn nữa cho nhau."
Các cuộc thảo luận sẽ bao gồm những sự than phiền của Mỹ về một số vấn đề liên quan tới kinh doanh -- như nạn vi phạm quyền sở hữu tài sản trí thức ở Ấn Độ, New Dehli ngăn chận một thỏa thuận thương mại toàn cầu, và những luật lệ của Ấn Độ làm cho các công ty Mỹ gặp trở ngại khi muốn đầu tư vào khu vực năng lượng hạt nhân đang phát triển mạnh ở quốc gia đông dân hàng thứ nhì thế giới.
Tuy nhiên, cựu Đại sứ Ấn Độ ở Washington, ông Lalit Mansingh, tỏ ý lạc quan là chuyến công du của ông Modi sẽ giúp cho quan hệ giữa hai nước bước sang một thời kỳ mới.
"Trước đây sự thiếu tin tưởng lẫn nhau đã gia tăng vì giới doanh thương Hoa Kỳ có rất nhiều sự bất mãn đối với các chính sách của chính phủ Ấn Độ. Các quyết định đã không được thực hiện. Tiến trình cải cách bị đình trệ và môi trường trường đầu tư thiếu thân thiện. Phần lớn những sự khác biệt đó đã được thu hẹp, cho nên đôi bên sẽ bắt đầu trên một cơ sở thuận lợi hơn nhiều."
Các công ty Mỹ, cũng như các nhà đầu tư ở những nước khác, không hài lòng trước môi trường kinh doanh khó khăn ở Ấn Độ. Đầu tư của Mỹ vào Ấn Độ đã giảm mạnh từ 2 tỉ đô la trong năm 2010 xuống còn 800 triệu đô la trong năm vừa qua.
Tại New York, ông Modi sẽ gặp gỡ những người đứng đầu các đại công ty Mỹ như Goldman Sachs, Pepsi và Boeing để tìm cách thuyết phục họ là chính phủ ông đang chuyển hóa Ấn Độ thành một điểm đến thân thiện với các nhà kinh doanh.
Trong lúc chuẩn bị cho chuyến công du Hoa Kỳ, nhà lãnh đạo Ấn Độ hôm nay phát động một chiến dịch qui mô lớn để biến Ấn Độ thành một trung tâm chế tạo toàn cầu, với lời hứa hẹn là sẽ tinh giản những thủ tục đang gây ra nhiều phiền toái cho các nhà đầu tư.
"Thủ tướng Modi nói rằng Ấn Độ là một cơ hội cho các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ông nói thêm rằng cả thế giới ai nấy đều biết Ấn Độ là một thị trường khổng lồ."
Tuy nhiên, các công ty nước ngoài đang chờ xem chính phủ của ông Modi sẽ thực hiện những biện pháp cụ thể nào để xóa bỏ những chướng ngại như nạn quan liêu, tham ô và cơ sở hạ tầng yếu kém.
Đối với ông Modi, đây là một chuyến đi cực kỳ quan trọng vì sự phục hồi kinh tế của nước ông và mục tiêu tạo ra hàng triệu công ăn việc làm cho người dân tùy thuộc vào vấn đề các nhà đầu tư nước ngoài có muốn đầu tư vào Ấn Độ hay không.