Tuần này, Thủ tướng Ấn Độ đã khơi ra một cuộc tranh luận trong nước khi ông phát biểu về lòng yêu nước của người Hồi giáo ở Ấn Độ trong một bài phỏng vấn truyền hình của đài CNN.
Ông Narendra Modi là lãnh tụ đảng dân tộc Ấn giáo Bharatiya Janata của Ấn Độ, và từng có thành tích châm ngòi cho những chia rẽ phe phái trong nước. Khi còn là thủ hiến bang Gujarat vào năm 2002, ông Modi bị cáo buộc là không có biện pháp gì để ngăn chặn những vụ bạo loạn phe phái khiến ít nhất 1.000 người thiệt mạng, đa số là người Hồi giáo.
Trong cuộc phỏng vấn hôm chủ nhật, ông Modi nói al-Qaida sẽ thất bại nêu tìm cách bàn trướng mạng lưới khủng bố ở Ấn Độ bởi vì sẽ không quy tụ được hậu thuẫn nào từ phía người Hồi giáo trong nước này.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi lên làm thủ tướng hồi tháng 5, ông Modi nói với ký giả Fareed Zakaria của đài CNN, qua lời một thông dịch viên, rằng: “Nếu bất cứ ai nghĩ rằng người Hồi giáo ở Ấn Độ sẽ làm theo lệnh của bọn họ, thì đó là hoang tưởng. Người Hồi giáo ở Ấn Độ sẽ sống cho Ấn Độ. Họ sẽ chết cho Ấn Độ.”
Nhiều người Hồi giáo ở Ấn Độ tiếp tục hoài nghi về ông Modi và đảng của ông, và một số thủ lãnh cộng đồng nói các nhận định của ông không có tác dụng bao nhiêu trong việc làm họ thay đổi thái độ.
Ông Zafarul-Islam Khan, chủ tịch tổ chức Hồi giáo Toàn Ấn Majlis-e-Mushawarat, nhóm bảo trợ cho các tổ chức của người Hồi giáo ở Ấn Độ, nói rằng nhận định của ông Modi không đúng với thực tế bởi vì nhiều người Hồi giáo đang bị sách nhiễu vì bị coi là nghi can khủng bố trong nước.
Ông Khan nói: “Nghe thì có vẻ hay ho khi Thủ tướng Modi đưa ra nhận định như thế về người Hồi giáo ở Ấn Độ. Nhưng sự thực là có những người bị bắt giữ, những người bị ngăn chặn và chính phủ của ông Modi đã bắt đầu một chuyện rất mới, đó là theo dõi tại các nhà ga xe lừa, theo dõi tại các sân bay. Hình thức theo dõi này dĩ nhiên tôi nghĩ sẽ trở thành một vấn đề rất lớn cho người Hồi giáo ở Ấn Độ, khi thanh niên của chúng ta đội mũ hay để râu sẽ bị chận lại và bị bắt giữ.”
Ông Abdul Aziz, thư ký của Milli Ittehad Milli Ittehad Parishad, một cơ chế đứng đầu các tổ chức Hồi giáo ở Tây Bengal, nói rằng lời lẽ của ông Modi không phù hợp với các hành động của ông.
Ông Aziz nói: “Trước đây, ông Modi rất không tử tể với người Hồi giáo và thường nguyền rủa, châm biếm và làm nhục họ… Bây giờ khi ông thề thốt rằng người Hồi giáo ở Ấn độ là yêu nước, nghe thì hay đấy … nhưng lời nói của ông dường như khác với việc làm của ông, bởi vì ông chẳng hề quan tâm thay đổi thái độ của nhiều đồng sự trong đảng của ông.”
Các liên hệ của thủ tướng và đảng của ông với các nhóm dân tộc Ấn giáo hữu khuynh hơn, tiếp tục gây quan ngại ở Ấn Độ và ở nước ngoài. Trong khi thủ tướng đã tránh đưa ra các phát biểu gây bất bình trong công luận, các nhà chính trị và lập pháp trong đảng của ông và các đảng liên minh đã cáo buộc người Hồi giáo là gây thiệt hại cho khối đa số Ấn giáo.
Bất kể sự hoài nghi của nhiều người, một số người Hồi giáo nói rằng nhận định đầu tiên như thế của ông Modi ca ngợi người Hồi giáo ở Ấn Độ là một dấu hiệu cho thấy ông đang tìm cách hàn gắn quan hệ với khối thiểu số tôn giáo.
Ông Sohrab Ali, một giáo viên Hồi giáo ở Tây Bengal nói: “Từ phía ông Modi, chúng ta chưa bao giờ được nghe lời nào hay ho về người Hồi giáo kể từ sau những vụ bạo loạn ở Gujarat. Nhưng nay, trong tư cách Thủ tướng, ông không thề làm ngơ trước quyền lợi của 170 triệu người Hồi giáo trong nước. Phát biểu của ông với CNN về người Hồi giáo ở Ấn Độ là một dấu hiệu ông đang tìm cách xích lại gần hơn với người Hồi giáo.”
Quỹ Sawab của Ấn Độ, một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu và thăm dò về các vấn đề có liên quan đến Hồi giáo, nói rằng các phát biểu của thủ tướng nằm trong khuôn khổ một nỗ lực lớn hơn dường như đạt được kết quả trong việc thay đổi hình ảnh của ông và của đảng ông trong số người Hồi giáo ở Ấn Độ.
Ông Aziz Mubaraki, người điều hành tổ chức này, nói: “Quỹ Sawab Ấn Độ của chúng tôi đã tiến hành một cuộc thăm dò trong số những người Hồi giáo ở Tây Bengal 1 tháng trước cuộc tổng tuyển cử kỳ trước và nhận thấy rằng thậm chí chưa tới 1% cộng đồng ủng hộ ông Modi và đảng của ông.
Nhưng một tháng sau cuộc bầu cử, trong một cuộc thăm dò tiếp theo thì chúng tôi nhận thấy có tới từ 16% đến 17% người Hồi giáo ở Bengal ủng hộ ông Modi.”
Ông Mibaraki nói thí dụ rõ ràng nhất là cuộc bầu cử phụ ở địa phương mới đây trong một đơn vị của Tây Bengal nơi Hồi giáo chiếm tới 63% cử tri đoàn.
Người thắng cử là một thành viên trong đảng của ông Modi, một dấu hiệu có thể cho thấy rằng đảng dân tộc Ấn giáo đang tìm được hậu thuẫn ngay trong các đối thủ chính trị thông thường của đảng.