Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết bảo vệ quyền tự do tôn giáo ở nước ông. Theo tường thuật của thông tín viên Anjana Pasricha của đài VOA tại New Dehli, cam kết được đưa ra giữa lúc có những lời chỉ trích cho rằng chính phủ của ông Modi không phản ứng nhanh chóng trước những vụ tấn công các cơ sở của Cơ đốc giáo và không tìm cách ngăn chận những mưu toan của những nhóm Ấn Độ giáo cực đoan nhằm cải đạo của những người thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số.
Phát biểu tại một buổi lễ do cộng đồng Công giáo ở New Dehli tổ chức để mừng hai người Ấn Độ được phong chân phước, Thủ tướng Narendra Modi đã mạnh mẽ lên án những vụ bạo động nhắm vào các tôn giáo thiểu số và cam kết bảo vệ cho những người này.
"Chính phủ tôi sẽ hành động một cách mạnh mẽ trong vấn đề này. Với sự cam kết này, tôi kêu gọi tất cả các nhóm tôn giáo hãy hành động với sự kiềm chế, với thái độ kính trọng lẫn nhau, và với lòng bao dung trong tinh thần thật sự của đất nước cổ kính này."
Phát biểu vừa kể của nhà lãnh đạo Ấn Độ được xem là một nỗ lực nhằm trấn an các nhóm tôn giáo thiểu số giữa lúc có những lời chỉ trích cho rằng chính phủ ông, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bharatiya Janata có chủ trương dân tộc Ấn giáo, đã không làm đủ để ngăn chận những sự căng thẳng tôn giáo đã xuất hiện kể từ khi ông lên nắm quyền hồi tháng 5.
Đại đa số người Ấn Độ theo Ấn Độ giáo, nhưng quốc gia đông dân thứ nhì thế giới này có khoảng 160 triệu tín đồ Hồi giáo và một số nhỏ những người theo Cơ đốc giáo.
Trong vài tuần qua đã có 5 vụ tấn công vào các nhà thờ ở New Dehli mà giới hữu trách mô tả là những vụ phá hoại tài sản hoặc phóng hỏa. Điều này làm cho cộng đồng Cơ đốc giáo lo ngại về một chiến dịch bạo động và hăm dọa. Các nhà lãnh đạo cộng đồng này đã tổ chức một cuộc biểu tình và cho biết họ cảm thấy không an toàn.
Vụ tranh cãi còn dính líu tới một loạt những buổi lễ cải đạo được bảo trợ bởi những tổ chức Ấn Độ giáo bảo thủ trong vài tháng qua để “đón mừng” hàng ngàn người Hồi giáo và Cơ đốc giáo “quay lại” với Ấn Độ giáo. Ông Modi đã bị chỉ trích kịch liệt vì không lên tiếng về vấn đề này. Phản ứng chậm chạp của ông cũng làm phát sinh những mối lo ngại là ông không có đủ khả năng để kiểm soát các nhóm Ấn Độ giáo cực đoan.
Trong chuyến công du tới Ấn Độ hồi tháng trước, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã đưa ra một lời cảnh báo khi ông nói rằng sự thành công của Ấn Độ tùy thuộc vào việc không bị chia rẽ vì lý do tôn giáo.
Hôm nay, nhà lãnh đạo Ấn Độ đã mạnh mẽ phát biểu về tự do tôn giáo. Ông nói rằng Ấn Độ sẽ tiếp tục đi theo con đường thế tục.
"Chính phủ tôi sẽ bảo đảm là có sự tự do hoàn toàn về tín ngưỡng và tất cả mọi người đều có quyền bất khả tương nhượng để giữ đạo hoặc theo đạo mà họ lựa chọn mà không có sự ép buộc. Chính phủ tôi sẽ là một chính phủ có sự kính trọng đồng đều đối với tất cả mọi tôn giáo. Sự kính trọng đồng đều đối với tất cả mọi tôn giáo phải nằm trong DNA của mọi người Ấn Độ. Đoàn kết làm cho chúng ta mạnh thêm, chia rẽ làm cho chúng ta yếu đi."
Sự hiện diện của Thủ tướng Modi tại một sự kiện do cộng đồng Cơ đốc giáo tổ chức được xem là một nỗ lực để tranh thủ sự ủng hộ của các khối dân thiểu số.
Nỗ lực này đang được theo đuổi sau khi đảng của ông bị thảm bại trong cuộc bầu cử địa phương ở New Dehli. Một số nhà phân tích nói rằng sự trỗi dậy của các vấn đề tôn giáo gây tranh cãi đã xói mòn sự ủng hộ của dân chúng dành cho đảng ông, là đảng đã hứa hẹn theo đuổi một chương trình nghị sự cho phát triển.
Ông Modi hôm nay một lần nữa tái khẳng định cam kết đối với công cuộc phát triển đất nước.