Hôm 6/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng nói Việt Nam không thao túng tiền tệ, theo Báo Tiền Phong.
Tại phiên chất vấn ở Quốc hội hôm 6/6 được Đài truyền hình VTV1 tường thuật trực tiếp, ông Hưng nói:
“Chúng ta khẳng định với phía đối tác Hoa Kỳ là chúng ta điều hành chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định lạm phát và không dùng những chính sách kinh tế vĩ mô trong đó có chính sách tiền tệ, tỷ giá để tạo cạnh tranh, tạo lợi thế một cách không công bằng.”
Ông Hưng xác nhận, ngày 29/5, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố báo cáo về các chính sách kinh tế vĩ mô thương mại và tỷ giá của các đối tác có quan hệ thương mại lớn với Hoa Kỳ, đưa ra danh sách 9 quốc gia cần phải giám sát, trong đó có Việt Nam.
“Những khuyến nghị về chính sách mà phía Hoa Kỳ đưa ra cũng tương tự với khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khi hàng năm đánh giá chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ (Việt Nam),” ông Hưng nói thêm.
XEM THÊM: Việt Nam sẽ tránh bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ của Mỹ như thế nàoTrong tuần này, các nhà phân tích nói với VOA rằng chính phủ Việt Nam có thể sẽ vẫn tiếp tục nằm trong danh sách các nước cần theo dõi của Mỹ trong vòng ít nhất nửa năm, tới trước khi đến thời hạn phải cập nhật các tài liệu. Họ cho biết hai bên có khả năng sẽ thảo luận về tỷ giá tiền tệ và mất cân bằng thương mại trong khi Việt Nam cân nhắc các biện pháp đối phó.
“Tôi nghĩ chắc chắn họ sẽ (hành động), vì họ cực kỳ lo lắng về vấn đề này, vì vậy họ cần trao đổi [với phía Mỹ] và thực thi một số điều chỉnh,” theo ông Tai Wan-ping, giáo sư về kinh doanh quốc tế chuyên ngành Đông Nam Á tại Đại học Cheng Shiu ở Đài Loan.
Ông Tai nói thêm: “Nếu họ cứ tiếp tục, thì việc lọt vào danh sách này là rất bất lợi cho Việt Nam.”
Cũng theo các chuyên gia này, Việt Nam có khả năng sẽ nhượng bộ để khỏi bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách theo dõi các nước thao túng tiền tệ, hầu tránh được một cú đấm vào nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh, chủ yếu nhờ xuất khẩu vốn rất nhạy cảm với tỷ giá hối đoái.