Đường dẫn truy cập

Việt Nam sẽ tránh bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ của Mỹ như thế nào


Các nhà phân tích dự đoán rằng Việt Nam có thể sẽ làm việc với phía Mỹ trong 6 đến 9 tháng tới để có thể rút tên ra khỏi danh sách các nước bị theo dõi về thao túng tiền tệ của Mỹ.
Các nhà phân tích dự đoán rằng Việt Nam có thể sẽ làm việc với phía Mỹ trong 6 đến 9 tháng tới để có thể rút tên ra khỏi danh sách các nước bị theo dõi về thao túng tiền tệ của Mỹ.

Việt Nam có khả năng sẽ nhượng bộ để khỏi bị Mỹ đưa vào danh sách theo dõi các nước thao túng tiền tệ và tránh được một cú đấm vào nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chủ yếu nhờ xuất khẩu vốn rất nhạy cảm với tỷ giá hối đoái, theo các nhà phân tích chuyên theo dõi quốc gia Đông Nam Á này.

Họ dự đoán rằng Việt Nam có thể sẽ làm việc với phía Mỹ trong 6 đến 9 tháng tới, đồng thời cân nhắc việc hạn chế thay đổi các chính sách về tỷ giá hối đoái và nhập khẩu nhiều hàng hóa có giá trị cao hơn từ Mỹ.

Những biện pháp đó có thể sẽ giúp Việt Nam rút tên ra khỏi danh sách của Bộ Ngân khố Mỹ hiện có 9 quốc gia mà Washington sẽ theo dõi thêm xem liệu có phải là "nước thao túng" tiền tệ hay không. Thao túng ở đây có nghĩa nhà nước thay đổi tỷ giá hối đoái để có lợi cho các nhà xuất khẩu của chính quốc gia đó và làm cho các nhà nhập khẩu phải tiêu tốn nhiều hơn trong trao đổi thương mại. Danh sách các nước cần bị giám sát về thao túng tiền tệ của Mỹ đưa ra vào cuối tháng 5 có thêm tên Việt Nam, Malaysia và Singapore.

Những thay đổi về chính sách có thể gây ra một cú giảm tốc trong nền kinh tế của Việt Nam vốn đang có tốc độ tăng trưởng khoảng 6% mỗi năm kể từ năm 2012. Nhưng nếu bị coi là nước "thao túng" (tiền tệ) thì có thể dẫn đến việc hàng hóa Việt Nam bị đánh thuế khi bán vào thị trường Mỹ và điều này sẽ bóp nghẹt nền kinh tế Việt Nam.

"Tôi nghĩ chắc chắn họ sẽ (hành động), vì họ cực kỳ lo lắng về vấn đề này, vì vậy họ cần trao đổi [với phía Mỹ] và thực thi một số điều chỉnh", theo Tai Wan-ping, giáo sư về kinh doanh quốc tế chuyên ngành Đông Nam Á tại Đại học Cheng Shiu ở Đài Loan. "Nếu họ cứ tiếp tục, thì việc lọt vào danh sách này là rất bất lợi cho Việt Nam."

Xuất khẩu và nội tệ

Việt Nam, nước đang phát triển mạnh về sản xuất hàng tiêu dùng và đang thu hút các nhà đầu tư khắp châu Á đến mở nhà máy, đạt mức thặng dư thương mại 39,5 tỷ USD với Mỹ vào năm ngoái và có mức thặng dư 13,5 tỷ USD trong quý 1 năm nay.

Việt Nam đã điều chỉnh tỷ giá hối đoái tiền đồng trong một biên độ có xu hướng yếu so với đồng đô la Mỹ. Xu hướng đó có lợi cho các nhà xuất khẩu – mà xuất khẩu chiếm phần lớn nền kinh tế Việt Nam với tổng trị giá là 238 tỷ USD.

"Trên thực tế, trong kinh tế đó là những gì chúng ta gọi là một loại tiền trôi nổi bẩn. Nó không bị thao túng quá mức – về cơ bản nó phản ánh tỷ giá thị trường đối với tiền đồng", theo Adam McCarty, kinh tế gia trưởng của Mekong Economics tại Hà Nội cho biết.

"Nhưng nó được kiểm soát để ngăn chặn những biến động lớn, do đó sự thay đổi của tỷ giá hối đoái hàng tháng là khá nhỏ, tuy nhiên nó luôn luôn chậm và ổn định theo hướng mất giá của tiền đồng Việt Nam".

Theo ông Tai, dòng “tiền nóng" vào Việt Nam, có nguy cơ gây tổn hại cho xuất khẩu, đôi khi đòi hỏi nước này phải điều chỉnh tỷ giá hối đoái.

Tránh vào danh sách

Rajiv Biswas, kinh tế gia trưởng về châu Á-Thái Bình Dương của công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit, cho biết rằng việc giới hạn bất kỳ biến động nào khác sẽ khiến chính phủ Mỹ thoải mái hơn.

"Bộ Ngân khố Mỹ đã nói rằng Việt Nam nên hạn chế can thiệp vào tỷ giá hối đoái và để đồng tiền di chuyển phù hợp với các nguyên tắc kinh tế cơ bản", ông Biswas nói. "Nếu bạn không can thiệp vào tiền tệ của mình, điều đó sẽ tự động giảm thiểu rủi ro bị coi là nước thao túng tiền tệ."

Nhưng các giao dịch mua ngoại tệ ròng của Việt Nam năm ngoái chỉ đạt 1,7% GDP, dưới mức 2% mà Washington sử dụng để định nghĩa "sự can thiệp một chiều dai dẳng vào thị trường ngoại hối", theo lưu ý của SSI Research có trụ sở tại Hà Nội đưa ra hôm 3/6. Các chính phủ có thể điều chỉnh tỷ giá hối đoái bằng cách mua hoặc bán ngoại tệ.

Việt Nam, nơi có nhiều công ty hàng đầu được nhà nước đầu tư, có thể điều chỉnh cán cân thương mại bằng cách mua thêm "thiết bị đòi hỏi nhiều vốn" và các thiết bị hàng không như máy bay từ Mỹ, ông Biswas nói.

Ấn Độ đã được rút tên ra khỏi danh sách của Mỹ đưa ra tháng trước sau khi giảm bớt thặng dư thương mại, trong khi Trung Quốc, hiện đang trong một cuộc chiến thương mại quyết liệt với Washington, vẫn bị giữ tên trong danh sách này.

Gene Fang, một giám đốc điều hành của Moody’s Investors Service tại Singapore nói rằng có rất ít "đòn bẩy chính sách" khác mà Việt Nam có thể sử dụng để giải quyết các mối quan ngại của Bộ Ngân khố Mỹ.

Đàm phán với Washington

Các nhà phân tích tin rằng Việt Nam có thể sẽ vẫn tiếp tục nằm trong danh sách của Mỹ trong vòng ít nhất nửa năm tới trước khi đến thời hạn phải cập nhật các tài liệu. Họ cho biết hai bên có khả năng sẽ thảo luận về tỷ giá tiền tệ và mất cân bằng thương mại trong khi Việt Nam cân nhắc các biện pháp đối phó.

Cuối cùng thì chính phủ Mỹ sẽ có thể đàm phán với Việt Nam và áp thuế lên hàng xuất khẩu của Việt Nam nếu thấy phù hợp, theo ông Fang.

Giám đốc của Moody’s Investors Service cho rằng "một trong những điều chúng ta có thể thấy là Mỹ sẽ áp thuế cao hơn lên hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, và điều đó chắc chắn là bất lợi cho tăng trưởng kinh tế."

VOA Express

XS
SM
MD
LG