Thời tiết cực đoan đang tàn phá khắp châu Mỹ Latinh, gây thiệt hại hàng tỷ đô la và tạo ra một chu kỳ khắc nghiệt dẫn đến nhu cầu nhiên liệu hóa thạch cao hơn và biến đổi khí hậu nhiều hơn, Tổ chức Khí tượng Thế giới WMO ngày 5/7 nói.
Nhiệt độ đã ấm lên trung bình 0,2 độ C mỗi thập niên trong 30 năm qua - tỷ lệ cao nhất được ghi nhận, theo Tình trạng Khí hậu ở châu Mỹ Latinh và Caribê 2022.
Phúc trình cho biết khi nhiệt độ tăng lên, các hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên phổ biến hơn, với những hậu quả thường không lường trước được, gây ra biến đổi khí hậu.
Phúc trình nói: “Hạn hán kéo dài đã dẫn đến sự sụt giảm sản lượng thủy điện ở phần lớn Nam Mỹ, khiến nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch tăng cao ở một khu vực có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo chưa được khai thác”.
Phúc trình lưu ý rằng các vụ cháy rừng trên khắp các dải đất ở châu Mỹ Latinh vào năm 2022, do đất khô và nhiệt độ cực cao, đã khiến lượng khí thải carbon dioxide tăng vọt lên mức cao nhất trong 20 năm, khiến nhiệt độ tăng cao và tiếp tục làm tăng nguy cơ xảy ra tai họa.
Tổng thư ký WMO Petteri Taalas nói: “Nhiều hiện tượng cực đoan chịu ảnh hưởng của La Nina kéo dài nhưng cũng mang dấu ấn của biến đổi khí hậu do con người gây ra”.
“El Nino mới đến sẽ làm tăng nhiệt và mang theo thời tiết khắc nghiệt hơn.”
Hạn hán và bão gây ra phần lớn thiệt hại kinh tế trị giá 9 tỷ đô la được báo cáo vào năm 2022 cho Dữ liệu về các Sự kiện Khẩn cấp (EM-DAT) của Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học của Thảm họa (CRED).
Phúc trình của Viện Khí tượng Thế giới được đưa ra trong bối cảnh Công ước về Môi trường và Phát triển diễn ra tại Havana và được tổ chức bởi nhóm các quốc gia đang phát triển G77, trong đó có Trung Quốc.
Bộ trưởng Môi trường Cuba Elba Rosa Perez nói trong phiên khai mạc của hội nghị hôm 4/7, tình hình đã đẩy nhiều nước đang phát triển đến giới hạn.
Bà nói: “Chúng ta đang phải đối mặt với những tác động ngày càng mạnh mẽ từ biến đổi khí hậu, nhưng các quyết định được thông qua trong các cuộc đàm phán về khí hậu để thực hiện Thỏa thuận Paris không tiến triển với cùng tốc độ.”
Thỏa thuận Paris 2015 đặt mục tiêu giữ nhiệt độ tăng dưới 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, nhưng các nhà khoa học và nhà hoạt động cảnh báo cần có nhiều hành động hơn để tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.