Các giới chức Hàn Quốc và Nhật Bản hôm 22 tháng 3 nhóm họp để tìm cách thực thi thoả thuận đạt được hồi cuối năm ngoái nhằm giải quyết vụ tranh chấp kéo dài nhiều thập niên về việc Nhật Bản bắt phụ nữ Hàn Quốc àm nô lệ tình dục. Từ Seoul, thông tín viên Brian Padden của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Các vị ngoại trưởng của Hàn Quốc và Nhật Bản đã đạt được một thoả thuận có tính chất đột phá vào cuối tháng 12, bao gồm một lời tạ lỗi trên văn bản từ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và một cam kết của Tokyo để cung cấp 8,9 triệu đô la cho một quỹ do Seoul thành lập để giúp đỡ những nạn nhân còn sống, thường được gọi là "an úy phụ."
Thoả thuận hoà giải này giúp cho Nhật Bản khỏi phải nhận lãnh trách nhiệm pháp lý nào nữa đối với tất cả những gì đã làm trong thời chiến.
Tuy nhiên, khoản tiền đó vẫn chưa được cung cấp và cuộc họp hôm 22/3 là cuộc họp đầu tiên để giải quyết những sự khác biệt còn tồn đọng sau khi thoả thuận được ký kết.
Ông Cho June Hyuck, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, cho biết: "Chúng tôi không ngừng làm việc để chuẩn bị cho sự thành lập của quỹ hỗ trợ và bàn thảo cặn kẽ với Bộ Bình đẳng giới và Gia đình, là cơ quan hỗ trợ cho các an úy phụ."
Tranh cãi về bức tượng
Trong thoả thuận hoà giải, Tokyo cũng yêu cầu dời đi nơi khác một bức tượng an úy phụ trước sứ quán Nhật ở Seoul. Bức tượng này nằm bên kia đường đối diện với sứ quán Nhật và là nơi những người ủng hộ an úy phụ tổ chức những cuộc biểu tình hàng tuần trong nhiều năm nay để đòi Nhật Bản chính thức xin lỗi và bồi thường.
Sự trễ nãi trong việc cung cấp tiền cho quỹ hỗ trợ đã làm bùng ra những sự suy đoán là Tokyo không chịu chấp hành thoả thuận cho tới khi Seoul dời bức tượng đi nơi khác, tuy cả đôi bên đều phủ nhận điều đó.
Ông Hosaka Yuji, một chuyên gia về quan hệ Nhật-Hàn của Đại học Sejong ở Seoul, cho biết: "Để cho chúng tôi có thể chấp nhận sự phủ nhận của họ, tôi nghĩ rằng họ nên trao ngay một tỉ yen cho Hàn Quốc để quỹ hỗ trợ có thể được thành lập trong lúc bức tượng vẫn còn ở đó."
Sự chống đối của an úy phụ
Một lý do khác của sự trì hoãn là một số an úy phụ còn sống cực lực phản đối thoả thuận giữa hai chính phủ.
Các chuyên gia ước tính hơn 200.000 phụ nữ tại các quốc gia vùng Á châu Thái Bình Dương đã bị quân đội Nhật ép buộc hành nghề mại dâm trong thời Thế chiến Thứ hai và thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng nhiều nước Á châu.
Tại Hàn Quốc, trong số 238 phụ nữ công khai thừa nhận là an úy phụ chỉ có 44 người còn sống và tuổi trung bình của những người này hiện nay là 89 tuổi.
Một số người trong nhóm này mạnh mẽ chỉ trích việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Guen Hye thương lượng với nhau về thoả thuận này cho họ nhưng không có sự đồng ý của họ.
Sau khi thoả thuận được loan báo, bà Lee Yong Soo, một an úy phụ ở Seoul, tố cáo chính phủ Hàn Quốc lại khuất phục trước Nhật Bản thêm một lần nữa.
Bà Lee cho biết: "Tại sao chính phủ của chúng tôi lại cùng với Nhật Bản tìm cách giết chết chúng tôi hai lần, ba lần như vậy?"
Những người chỉ trích cho rằng thoả thuận Nhật-Hàn thiếu sự thành thật trách nhiệm của chính phủ.
Lời tạ lỗi của ông Abe nói tới sự hối hận đối với "vô số những kinh nghiệm đau đớn" nhưng không thừa nhận mức độ của sự dính líu của quân đội Nhật trong chương trình mại dâm cưỡng bức và không nói rõ về những hành vi tàn ác của quân đội Nhật.
Thoả thuận cũng cho phép Nhật Bản gọi khoản tiền 8,9 triệu đô la là một khoản tiền quyên góp, thay vì là một khoản tiền bồi thường của chính phủ. Những người chống đối cho rằng điều đó làm giảm đi trách nhiệm của Nhật đối với những tội ác trong quá khứ.
Một số an úy phụ cũng đã công khai đả kích những giới chức Hàn Quốc tìm cách giải thích sự ủng hộ của Tổng thống Park Guen Hye đối với việc đạt được thoả thuận hoà giải trước khi nạn nhân già yếu này qua đời.
Các nhân vật lãnh đạo của một tổ chức đại diện cho các nạn nhân mới đây đã hội kiến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon.
Ông Ban Ki Moon, người Hàn Quốc, đã bày tỏ sự thông cảm đối với các nạn nhân nhưng ông tán dương thoả thuận Nhật-Hàn khi thoả thuận này được loan báo hồi tháng 12.
Mặc dù vậy, Cao ủy trưởng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ông Zeid Hussein, chỉ trích thoả thuận này. Ông cho rằng chỉ có những an úy phụ mới là người có quyền phán xét cuối cùng đối với vấn đề là những đòi hỏi của họ có thực sự được đáp ứng hay không.