Thổ Nhĩ Kỳ đối diện áp lực trước cáo buộc buôn lậu dầu với chiến binh thánh chiến

  • Dorian Jones

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan,(ở dưới bên trái), tham dự buổi tranh luận đánh dấu ngày quốc hội được triệu tập trở lại sau thời gian nghỉ họp mùa hè, 1/10/2014.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm thứ Tư tuyên bố cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo, hay ISIL, cùng với các nhóm cực đoan khác là ưu tiên hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyên bố của ông đưa ra vào lúc Ankara đang đối diện với những chỉ trích không ở vị trí rạch ròi chống nhóm thánh chiến.

Các nhà phân tích nói một trong những cách thức chính mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp cho Nhà nước Hồi giáo là không thẳng tay đàn áp việc buôn lậu dầu hỏa của IS vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyên gia quan hệ quốc tế Soli Ozel của trường đại học Thổ Nhĩ Kỳ Kadir Has cho rằng những quan ngại như thế là đúng.

“Chúng tôi có rất nhiều tường thuật từ các nhân chứng. Chúng tôi có lời khai từ những người dân địa phương tham gia vào, hoặc ít nhất là chứng kiến việc đó. Đây là bản chất của những xung đột như thế này, nếu như một thứ gì đó có thể buôn lậu, nó sẽ bị buôn lậu. Nếu người Syria có kim cương, bạn sẽ buôn lậu kim cương. Nếu họ có vàng, họ sẽ buôn lậu vàng. Nếu họ có dầu hỏa, học sẽ buôn lậu dầu lửa. Đó là bản chất của kẻ mạnh, tôi chắc là có nhiều người tin vào điều này và những phủ nhận của Thổ Nhĩ Kỳ không thực sự được các đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận.”

Chỉ trích về cáo buộc vai trò ngầm của Thổ Nhĩ Kỳ đối với nhóm thánh chiến ngày càng tăng ở Washington.

Trong các buổi điều trần vào tháng rồi của Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện, thượng nghị sĩ Dân Chủ Ed Markey nói rõ với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry rằng vai trò bị cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giao thương là không thể chấp nhận được.

“Thật là vô lương tâm khi Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nguồn ngân sách chính cho ISIL. Nếu chúng ta có thể dẹp được điều này, chúng ta gần như làm thiệt hại vô hạn khả năng tài chính của chúng trong cuộc chiến này. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải đưa Thổ Nhĩ Kỳ ra trước và ở trung tâm và để cho thế giới nói với họ rằng họ phải dừng lại.”

Ankara đã giận dữ bác bỏ các cáo buộc là nước này không ngăn chặn việc mua bán lậu dầu hỏa của Nhà nước Hồi giáo.

Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Taner Yildiz

Tuần này, Bộ trưởng Năng luợng Taner Yildiz nói rằng nước ông sẽ không bao giờ tham gia vào bất kỳ phi vụ bất hợp pháp nào. Một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu ẩn danh, nói rằng các lực lượng an ninh đã gia tăng hoạt động để ngăn chặn việc mua bán. Giới chức này nói những nỗ lực đó đã gặt hái được thành công, cho biết năm ngoái 78 triệu lít dầu lậu đã bị giới hữu trách thu giữ, nhưng chỉ trong sáu tháng của năm nay đã có 58 triệu lít dầu bị tịch thu. Giới chức này thừa nhận không có số liệu có sẵn cho khu vực biên giới với Syria.

Tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh phương Tây của nước này là một chỉ dấu cho một vấn đề rộng lớn hơn về việc thiếu minh bạch trong vị thế của Ankara đối với nhóm thánh chiến, theo ông Cengiz Aktar của trường đại học Suleyman Sah ở Istanbul.

Ông Aktar nói vị trí của nước này trong vấn đề buôn lậu dầu hỏa là một thử nghiệm quan trọng.

“Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ nên có một thái độ rõ ràng, một vị thế rõ ràng liên quan tới tất cả những đồn thổi và suy đoán. Một điều chắc chắn là những kẻ này (các chiến binh IS) đang có tiền, có kinh phí từ việc bán dầu hỏa. Điều quan trọng trong mắt của liên minh và của Hoa Kỳ là việc làm chứ không phải lời nói.”

Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama đã nói rõ rằng việc cắt nguồn thu nhập của Nhà nước Hồi giáo là một phần quan trọng trong những nỗ lực đánh bại nhóm này của liên minh. Với việc Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ gần 900 cây số biên giới với Syria, rất nhiều trong số đó nằm dưới sự kiểm soát của các chiến binh thánh chiến, các chuyên gia cho rằng sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là mấu chốt trong những nỗ lực đó.