Đường dẫn truy cập

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ biểu quyết về hành động quân sự chống nhóm IS


Một phiên họp của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ
Một phiên họp của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai các xe tăng và xe bọc thép để tăng cường cho khu vực biên giới với Syria trong lúc quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị để cho phép hành động quân sự chống lại các chiến binh thánh chiến Nhà Nước Hồi Giáo (IS). Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo những động thái này đang gặp phải sự kháng cự trong lúc các câu hỏi về loại hình hoạt động quân sự nào sẽ được thực hiện thì vẫn còn đó.

Hạn chót của việc biểu quyết của quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ là thứ Năm về hai kiến nghị trao quyền cho chính phủ để trừng phạt các hoạt động quân sự tại Iraq và Syria. Các kiến nghị đưa ra vào lúc Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang gia tăng diễn thuyết chống lại nhóm Nhà Nước Hồi Giáo.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tuần này, ông Erdogan nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàn tham gia vào các hoạt động quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo chống lại nhóm Hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên ông Semih Idiz, phụ trách chuyên mục quan hệ quốc tế cho báo Taraf của Thổ Nhĩ Kỳ và trang mạng Al Monitor, cảnh báo rằng chính quyền đang phải đối diện với sự phản đối mạnh mẽ về bất cứ hành động quân sự nào. Ông nói:

“Không có sự ủng hộ từ phe đối lập. Còn câu hỏi về sự ủng hộ của công chúng, tôi chắc là có nhiều sự quan tâm của công chúng về điều đó có ý nghĩa thế nào đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Mặt khác, ông Erdogan từng gây ấn tượng ở vị trí lãnh đạo và ông có thể sẽ lôi kéo công chúng về vấn đề này”.

Các nhà phân tích nói với việc Thổ Nhĩ giáp giới với Syria và Iraq, Washington xem đồng minh NATO này là chủ chốt đối với các nỗ lực chống lại nhóm Nhà Nước Hồi Giáo đang diễn ra. Tuy nhiên cho đến nay, Ankara vẫn từ chối tham gia vào các cuộc không kích quân sự.

Ông Soli Ozel, giáo sư Quan hệ Quốc tế tại trường đại học Kadir Has ở Istanbul, nói ông Erdogan đang đối diện với một công việc rất khó khăn trong nỗ lực thuyết phục công chúng ủng hộ cho hành động quân sự, với sự phản đối đặc biệt mạnh trong thành phần cử tri nồng cốt Hồi giáo bảo thủ của ông:

“Nhìn chung, công chúng sẽ không thích thú với việc Thổ Nhĩ Kỳ oanh tạc những người Hồi giáo Sunni khác, theo nguyên tắc chung. Thậm chí những người không đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ giáo phái hay tôn giáo giữa hai nhóm dân, họ cũng sẽ không muốn Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào một cuộc chiến ở Trung Đông khi bạn biết bạn sẽ bị hút vào và không bao giờ ra khỏi đó được”.

Các nhà phân tích nói thêm rằng mối quan tâm là câu hỏi về việc can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa đến điều gì.

Tổng thống đã gia tăng đẩy mạnh ý tưởng thành lập một “khu cấm bay” và cái mà ông gọi là “khu vực an toàn” trong một phần của miền bắc Syria giáp giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhà phân tích Idiz cho rằng một động thái như thế có thể giúp ngăn chặn dòng người tị nạn Syria, hàng trăm ngàn người đã đổ vào Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng ông nói nó cũng gây ra những quan ngại chính trị về các động cơ của Ankara. Ông nhận định:

“Tôi cho rằng đây chủ yếu là để ngăn chặn thêm dòng người tị nạn vào Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi nghĩ đây là điều cân nhắc chính. Có những người trong phe đối lập nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gặng chuyển hướng vào Syria để cố gắng đạt được một chỗ đứng chống lại Assad. Lại có những người tin rằng ông Erdogan đang mưu đồ ngăn chặn người Kurd ở miền Bắc Syria và muốn lập một vùng đệm để đưa quân đội vào trong vùng”.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ quan ngại về bất cứ biện pháp nào có thể tăng cường cho cuộc chiến của người sắc tộc Kurd cho việc tự trị ở Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Người Kurd ở Iraq đã ở mặt trận tiền tuyến trong cuộc chiến chống Nhà Nước Hồi Giáo ở miền Bắc Iraq.

Đảng ủng hộ người Kurd chính ở Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc chính phủ đã thông đồng trong cuộc chiến của Nhà Nước Hồi Giáo chống lại người Kurd ở Syria dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, một cáo buộc mà chính phủ bác bỏ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG