Ít giờ sau khi công an Việt Nam chính thức công bố việc họ khởi tố và bắt giam ông Trương Huy San, tức blogger và Facebooker Osin Huy Đức nổi tiếng, Human Rights Watch gửi ra thông cáo từ New York, Mỹ, vào chiều ngày 7/6 đề nghị chính quyền Việt Nam “cần ngay lập tức phóng thích” ông San cũng như hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông.
Thông cáo của Human Rights Watch (Tổ chức Theo dõi Nhân quyền) tiếp nối vào những lời kêu gọi trước đó của 3 tổ chức Bảo vệ Ký giả, Ân xá Quốc tế và Văn bút Mỹ rằng nhà cầm quyền Việt Nam hãy trả tự do cho ông San.
Như VOA đã đưa tin, Bộ Công an Việt Nam cáo buộc ông San phạm tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước” theo điều 331 của Bộ Luật Hình sự, một điều luật bị các nước phương Tây và các tổ chức cổ súy cho nhân quyền coi là có nội dung quá rộng mà nhà nước Việt Nam thường sử dụng đối với những người lên tiếng phê phán chính quyền.
Human Rights Watch nói trong thông cáo gửi đến VOA và các cơ quan báo chí rằng công an ở Hà Nội đã câu lưu ông San vào ngày 1/6 và nhận xét thêm rằng việc chính quyền để cho 7 ngày trôi qua mới thông báo với gia đình ông về việc bắt giữ, tạm giam đã “gây ra nhiều quan ngại về sự an nguy của ông”.
VOA được biết kể từ khi nhà báo kiêm tác giả sách Trương Huy San tức Huy Đức bị tạm giữ, cả luật sư lẫn gia đình ông đều chưa được phép gặp ông.
“Với việc bắt giữ Huy Đức một cách sai trái, nhà cầm quyền Việt Nam đang nhắm vào một trong những nhà báo dũng cảm và nhiều ảnh hưởng nhất Việt Nam”, bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc Ban Á Châu của Human Rights Watch, nói trong thông cáo của tổ chức này và cho rằng “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế của Việt Nam cần lên án việc bắt giữ Huy Đức như một đòn đánh trực diện vào quyền tự do biểu đạt, và thúc đẩy để ông được trả tự do ngay lập tức.”
Ông San sinh năm 1962, từng phục vụ trong quân đội rồi trở thành nhà báo với bút danh Huy Đức và xây dựng danh tiếng qua các bài viết đanh thép về chính trị của Việt Nam. Ông đặc biệt nổi danh khi làm việc cho báo Sài Gòn Tiếp Thị, với phóng sự phơi bày một vụ tham nhũng lớn liên quan tới các hợp đồng ưu ái và các vụ mua bán đất đai mờ ám của gia đình một vị thủ tướng chính phủ, Human Rights Watch điểm lại.
Một thành tựu khác được xem là đáng chú ý nhất của ông là hồi năm 2012, trong lúc học ở Đại học Harvard, Mỹ, theo học bổng Nieman, ông viết cuốn sách Bên Thắng Cuộc, được đánh giá là một biên niên sử báo chí về thời kỳ hậu chiến của Việt Nam. Sách này chưa được bán một cách chính thức ở Việt Nam.
Trong mười mấy năm nay, theo quan sát của VOA, sử dụng bút danh Huy Đức và Trương Huy San trên mạng xã hội, ông đã bình luận, phân tích và phản biện về nhiều vấn đề chính trị và xã hội nan giải ở Việt Nam.
Chỉ vài ngày trước khi bị bắt, ông đăng lên Facebook một bài cảnh báo về nhiều mối nguy từ tình trạng tập trung quyền lực về Bộ Công an Việt Nam. Tiếp đến là một bài phê phán những nhược điểm của làn sóng chống tham nhũng do người đứng đầu Đảng Cộng sản chỉ đạo.
Sau khi ông bị bắt, trang Facebook của ông đã bị vô hiệu hóa, không còn truy cập được nữa trên mạng internet.
Giới quan sát quốc tế cho rằng trong mấy tháng trở lại đây, chính quyền Việt Nam đã gia tăng đàn áp, bắt bớ một loạt các nhà hoạt động nhân quyền, nhà báo, nhà hoạt động môi trường và những người khác lên tiếng phê phán, chỉ trích chính quyền hoặc kêu gọi cải cách.
Báo chí Việt Nam dẫn lại thông tin từ Bộ Công an cho biết hôm 7/6 rằng ngoài ông Trương Huy San, cũng bị khởi tố và bắt tạm giam trong cùng vụ án là ông Trần Đình Triển, trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
Công an nói rằng kết quả điều tra ban đầu xác định hai ông San và Triển đã “vi phạm pháp luật, lợi dụng các quyền tự do dân chủ, đăng tải các bài viết trên mạng xã hội Facebook xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
VOA liên lạc với Bộ Ngoại giao và Bộ Công an Việt Nam để tìm hiểu phản ứng của họ đối với những tuyên bố, thông cáo của 4 tổ chức nước ngoài về vụ bắt giữ ông San, nhưng chưa nhận được hồi đáp.