Đường dẫn truy cập

Nhà báo Huy Đức vẫn ‘mất tích’ sau tin bị cơ quan chức năng ‘đưa đi’ 


Hình ảnh nhà báo Huy Đức trên cuốn sách do ông viết có tựa "Bên Thắng Cuộc".
Hình ảnh nhà báo Huy Đức trên cuốn sách do ông viết có tựa "Bên Thắng Cuộc".

Nhà báo Trương Huy San vẫn đang “mất tích”, theo như lời nhà văn Trần Thanh Cảnh, người cho biết rằng nhà báo tự do với bút danh Huy Đức đã không tham gia một buổi mạn đàm ở Hà Nội được lên lịch hôm 1/6 khi có thông tin ông bị người của cơ quan chức năng đến khám nhà và đưa đi cùng ngày.

Nói với VOA hôm 6/6, ông Cảnh cho biết sau 6 ngày kể từ khi ông Huy Đức, tác giả cuốn sách “Bên Thắng Cuộc” bị cấm xuất bản ở Việt Nam, bị người của cơ quan công an đưa đi “đâu đó”, ông vẫn không rõ tung tích của nhà báo này khi điện thoại của ông Huy Đức vẫn bị tắt hoặc tạm khóa.

Ông Huy Đức, cùng ông Cảnh, được dự kiến là những diễn giả trong buổi mạn đàm Cà phê gặp gỡ và đối thoại tại một địa điểm ở Hà Nội về “Chuyển giao quyền lực thông qua các cuộc liên hôn trong lịch sử phong kiến Việt Nam” hôm 1/6. Ông Cảnh cho biết buổi mạn đàm đã diễn ra dưới sự chủ trì của ông nhưng ông Huy Đức đã không đến tham dự.

Ông Cảnh đã không nhận được hồi âm của ông Huy Đức qua Messenger và các cuộc gọi điện vào buổi sáng ngày 1/6 trước khi họ cùng dự kiến đi đến địa điểm mạn đàm ở Times City.

“Tôi nghĩ ngay đến khả năng có thể xảy ra – mà bọn tôi đã nói chuyện với nhau khá nhiều lần rằng rất có khả năng ông Huy Đức có thể có vướng mắc với cơ quan chức năng,” ông Cảnh cho biết và nói rằng các cuộc gọi liên tiếp của ông sau đó trước khi đến đón ông Huy Đức tới buổi nói chuyện Cà Phê Thứ 7, do Nhạc sỹ Dương Thụ sáng lập, cũng không được hồi âm.

Một người bạn thân cùng sống trong tòa nhà chung cư Mipec Riverside Long Biên, mà ông Huy Đức thường trú khi chuyển từ TPHCM ra Hà Nội sống một mình trong những năm gần đây, cho ông Cảnh biết khi được hỏi về việc có biết ông Huy Đức ở đâu bằng câu nói “cụt lủn” một cách khác lạ: “Không biết.”

Ông Cảnh sau đó được biết thông tin từ những người dân cùng sống trong tòa nhà này nói rằng tầng 12 – nơi có căn hộ của ông Huy Đức – bị phong tỏa và ông Huy Đức bị những người mặc đồng phục công an và thường phục dẫn vào ô tô rồi đưa đi.

“Tôi đoán ra ngay vấn đề: có khả năng anh Huy Đức đang phải làm việc với các cơ quan chức năng vì thời gian gần đây chúng tôi đánh giá rằng anh Huy Đức đã viết một số bài trên trang Facebook có rất đông người theo dõi tạo hiệu ứng rất ghê nhưng lại động chạm tới những nhân vật quyền lực rất cao ở trong hệ thống chính trị của Việt Nam,” ông Cảnh nói.

Cùng ngày 1/6, blogger có nhiều ảnh hưởng với những thông tin nóng về các vụ bắt giữ quan chức lãnh đạo cấp cao và chính trường Việt Nam, Lê Nguyễn Hương Trà cho biết trong một đăng tải trên trang Facebook cá nhân rằng “Nhà báo Huy Đức bị mời làm việc lúc 9:00 sáng thứ 7 (1/6), đến tối đưa về khám xét tại Hà Nội và dẫn đi.”

Tài khoản mạng xã hội của ông Huy Đức với tên “Trương Huy San” trên Facebook và Twitter hiện không còn xuất hiện khi tìm kiếm.

Blogger Hương Trà, còn được biết với tên “Cô gái Đồ Long” cho biết trong một cập nhật về ông Huy Đức rằng theo quy định của pháp luật Việt Nam, thời hạn tối đa mà cơ quan điều tra có thể tạm giữ người là 9 ngày.

Cho đến ngày 6/6, chưa có bất kỳ thông tin nào từ cơ quan chức năng hay truyền thông do nhà nước Việt Nam quản lý thông tin về việc bắt giữ ông Huy Đức. Các cuộc gọi của VOA tới Bộ Công an ngoài giờ làm việc không được hồi đáp. VOA cũng đã gửi yêu cầu bình luận tới bộ.

‘Pháp quyền đã chết’

Ngay trước ngày nhà báo Huy Đức được cho là bị cơ quan công an đưa đi, ông đã đăng tải một bài viết dài trong đó nói rằng “tinh thần pháp quyền đã chết” ở Việt Nam. Trong đăng tải có tựa đề “Những suy nghĩ không rời rạc”, ông Huy Đức cho rằng những nỗ lực xây dựng một nhà nước pháp quyền tại Việt Nam “đã kết thúc từ 2006 và những gì ta đang chứng kiến cho thấy, hồn ma ‘pháp luật chỉ là ý chí của giai cấp cầm quyền’ đang dần hiện về.” Trong đăng tải này, nhà báo từng có thời gian học tập tại Mỹ đề cập trực tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi chỉ trích chiến dịch chống tham nhũng của ông.

Một số đăng tải trước đó trong thời gian gần đây của ông Huy Đức chỉ trích Bộ Công an trước khi ông Tô Lâm được bầu làm chủ tịch nước.

Trong một đăng tải ngày 19/5, ông Huy Đức chỉ trích việc diễn giải Hiến pháp của Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trước khả năng cho phép ông Tô Lâm làm chủ tịch nước mà vẫn kiêm nhiệm chức bộ trưởng Công an. Ông Huy Đức cho rằng “điều này chắc chắn tạo ra một tiền lệ tương tự như khủng hoảng Hiến pháp.” Vài ngày sau đó, khi được bầu làm chủ tịch nước, ông Tô Lâm đã bị miễn nhiệm chức bộ trưởng Công an. Cũng trong thời gian này, ông Huy Đức đưa ra bài viết với tiêu đề “Không có quốc gia nào có thể phát triển bền vững dựa trên sự sợ hãi.”

“Những ý kiến trong những bài viết của ông Huy Đức gần đây rất là mạnh, rất là thẳng, rất là trực diện chứ không có sự kiêng nể hay không có sự e dè nào nữa như thời kỳ trước,” ông Cảnh nhận định về các đăng tải của ông Huy Đức trên Facebook gần đây.

“Anh Huy Đức có nói với tôi rằng anh chấp nhận viết tất cả vì việc chung,” nhà văn này cho biết. “Tôi thấy những bài [của Huy Đức] và thậm chí cả những dư luận xã hội rất trái chiều trên mọi trang ở trong và ngoài nước thì tôi cho rằng hoàn toàn những bài đó anh Huy Đức viết rất đúng, rất có giá trị, rất tốt cho sự phát triển xã hội. Nếu những người lãnh đạo nghe được mà điều chỉnh thì rất tốt. Anh ấy hoàn toàn vì việc chung và tôi không thấy động cơ cá nhân nào ẩn dấu đằng sau đó.”

Chính quyền Việt Nam đã bị các tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích vì trấn áp mạnh mẽ những tiếng nói bất đồng trong nước, đặc biệt là những nhà báo có các bài viết phản biện chính sách nhà nước và những quan chức lãnh đạo Đảng. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) hôm 3/5 xếp Việt Nam trong nhóm các nước có ít tự do nhất về báo chí vì “cầm tù nhà báo có hệ thông.”

Nhà báo Huy Đức trong những năm gần đây đã tham gia nhiều hoạt động xã hội như gây quỹ giúp gia đình các thương binh tử sỹ trong các trận chiến ở Hoàng Sa và Trường Sa cũng như tham gia trồng cây gây rừng.

Trước khi trở thành một nhà báo tự do, ông từng làm việc cho các tờ báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Nông thôn Ngày nay và Sài Gòn Tiếp Thị. Sau đó danh tiếng của ông nổi hơn nữa từ những bài viết độc lập với nội dung thời cuộc và chính trị đăng tải trên trang blog lấy tên “Osin Huy Đức”.

Trong thời gian tham gia khóa học của học bổng Nieman Foundation danh tiếng tại Đại học Harvard ở Massachussetts vào năm 2012, ông Huy Đức hoàn thành cuốn sách “Bên Thắng Cuộc” và phát hành tại Mỹ. Cuốn sách được được xem là có thể gây khó khăn cho ông Huy Đức tại Việt Nam khi nó đưa ra những thông tin mà ít người biết về chính trị và lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Bất chấp mối lo ngại về khả năng bị bắt khi về nước, ông Huy Đức đã quyết định không ở lại Mỹ.

Cuối cùng ông về Việt Nam mà không gặp vấn đề gì trong khi cuốn sách của ông được xuất bản bằng cả bản in và online từ Mỹ. Không lâu sau khi về nước, ông Huy Đức, người từng chiến đấu tại chiến trường Campuchia chống Khmer Đỏ, đã tham gia cuộc biểu tình của người dân trong nước phản đối việc Trung Quốc đặt dàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam vào tháng 5/2014.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG