Những máy bay chiến đấu của Nga hôm thứ Tư đã cất cánh từ Iran để thực hiện những cuộc không kích ở Syria sang ngày thứ hai.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết những cuộc không kích xuất phát từ căn cứ không quân Hamedan nhắm mục tiêu vào những phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo. Đợt không kích đầu tiên hôm thứ Ba nhắm vào Nhà nước Hồi giáo cũng như nhóm thánh chiến Jabhat al-Fateh Sham, trước đây gọi là Mặt trận al-Nusra.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bác bỏ tuyên bố của một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng những chuyến bay này có thể được coi như một sự vi phạm một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cấm việc mua bán hoặc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Iran.
Chủ tịch quốc hội Iran Ali Larijani hôm thứ Tư cũng nhấn mạnh Iran vẫn chưa cho Nga một cơ sở vĩnh viễn trong lãnh thổ của mình.
Nga vẫn đang tiến hành những cuộc không kích yểm trợ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đã bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái, nhưng tính tới tuần này, những chuyến bay đều xuất phát từ Syria hoặc từ Nga.
Bay từ căn cứ không quân Hamedan thay vì căn cứ của Nga tại Mozdoko ở phía bắc dãy Kavkaz giúp thu ngắn quãng đường từ gần 2.000 kilômét xuống còn dưới 700 kilômét.
Chủ tịch ủy ban quốc phòng của Hội đồng Liên bang Nga, Viktor Ozerov, cho biết quãng đường bay ngắn hơn sẽ tăng độ chính xác cho những cuộc không kích của Nga và cho phép phi công tránh được phi đạn đất đối không tiên tiến trong kho vũ khí của phiến quân Syria.
Một số nhà phân tích lại nhìn thấy động cơ khác của Nga trong diễn biến này.
Nhà phân tích Martin Reardon của tổ chức The Soufan Group cho biết Nga đang đạt được hai mục tiêu bằng cách thúc đẩy ảnh hưởng và vai trò của mình ở Trung Đông.
Cựu quan chức cao cấp của FBI này nói: "Việc này cho thấy thế giới thấy thực tế là [Nga] đang nổi lên trở lại như một cường quốc toàn cầu. Việc này cũng triệt tiêu bớt những nỗ lực của Mỹ bằng việc quay trở lại thời Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ và Nga đối đầu với nhau để tranh giành ảnh hưởng."
Vào tháng 1, Nga và Iran đã ký một thỏa thuận hợp tác quân sự cho sự hợp tác rộng lớn hơn trong những hoạt động huấn luyện và chống khủng bố.
Kapil Komireddi, một nhà phân tích những vấn đề quốc tế ở Anh, cho biết những diễn biến mới nhất là "một thông điệp rõ ràng gửi tới Washington rằng mọi quyết định không nhất thiết đều được đưa ra trong tòa Bạch Ốc." Ông nói: "... Một liên minh với Moscow, và việc cho phép người Nga sử dụng căn cứ của Iran, là một thông điệp rõ ràng từ Tehran rằng họ sẽ làm bất cứ điều gì để phục vụ lợi ích của mình trong khu vực."