Thẩm phán Mỹ yêu cầu thả các trẻ em di dân bất hợp pháp

Đơn kiện cho rằng các bà mẹ bị giam tại các cơ sở giam giữ thường đau ốm và bị trầm cảm, và các con của họ cũng trở nên bị trầm cảm.

Một thẩm phán liên bang tại Los Angeles đã ra phán quyết là việc giam giữ các trẻ em di dân bất hợp pháp và mẹ các em của chính quyền Obama vi phạm phán quyết của Tòa án có cách đây gần 20 năm.

Thẩm phán Dolly Gee ra lệnh cho Bộ An ninh Nội địa trả tự do cho các gia đình đang bị giữ tại 3 cơ sở giam giữ càng sớm càng tốt.

Trong phán quyết được đưa ra vào cuối ngày thứ Sáu, bà Gee viết là các trẻ em và mẹ bị giam “trong những điều kiện tồi tệ” và nhà chức trách đã không đưa các em đến những cơ sở an toàn và vệ sinh, theo như đòi hỏi của phán quyết năm 1997.

Bà Gee mạnh mẽ chỉ trích chính phủ không tuân thủ với điều bà nói là những điều khoản rõ ràng của phán quyết năm 1997 và nói rằng phán quyết này áp dụng cho cả những trẻ em không có người đi kèm lẫn những trẻ em đến với mẹ.

Thẩm phán cho Bộ An ninh Nội địa đến ngày 3 tháng 8 để đưa ra một kế hoạch đối với những người bị giam giữ. Bà cũng cho Bộ Tư pháp 90 ngày để trả lời tại sao không bị ràng buộc bởi phán quyết của bà.

Một nữ phát ngôn viên của Bộ An ninh Nội địa nói Bộ rất “thất vọng” về phán quyết này. Bộ Tư pháp chưa trả lời.

Theo phán quyết của Tòa án năm 1997, các trẻ em di dân đến Mỹ bất hợp pháp và không có cha mẹ đi kèm phải được đưa đến một nơi sạch sẽ và tiện nghi giống như một trung tâm giữa trẻ được cấp phép.

Các luật sư về quyền của các di dân đệ đơn kiện chính phủ, cho rằng hai cơ sở giam giữ di dân tại Texas và một cơ sở tại Pennsylvania được bảo vệ như các nhà tù. Cả ba đều được những công ty tư nhân ký hợp đồng với chính phủ liên bang điều hành.

Đơn kiện cho rằng các bà mẹ bị giam tại các cơ sở giam giữ thường đau ốm và bị trầm cảm, và các con của họ cũng trở nên bị trầm cảm.

Thẩm phán Gee bác bỏ lập luận của Bộ Tư pháp cho rằng bộ đã phải thay đổi những điều khoản của phán quyết năm 1997 để ngăn chặn làn sóng trẻ em di dân bất hợp pháp từ Trung Mỹ ồ ạt vượt qua biên giới Mỹ hồi năm ngoái.