Chính phủ Thái Lan do quân đội hậu thuẫn đang tìm cách vực dậy nền kinh tế với chương trình chi tiêu hơn 100 tỉ đô la cho các dự án cơ sở hạ tầng, trong đó có việc nâng cấp hệ thống đường sắt và xây dựng các tuyến đường nối kết Thái Lan với miền nam Trung Quốc.
Chính phủ dự trù nâng cấp hệ thống đường sắt toàn quốc sau nhiều năm hệ thống này bị bỏ lơ về mặt tài chánh. Mục tiêu của họ là phục hồi vị thế của Thái Lan trong mạng lưới đường sắt xuyên Á chạy từ nam tới bắc, từ Singapore tới thành phố Côn Minh ở miền nam Trung Quốc, và từ tây sang đông, từ thành phố Yangoon của Miến Điện tới thành phố Sài Gòn của Việt Nam.
Kế hoạch chi tiêu này là một phần của nỗ lực của giới hữu trách Bangkok nhằm vực dậy nền kinh tế bị trì trệ với mức tăng trưởng hầu như là zero trong năm 2014. Các nhà phân tích dự báo tăng trưởng trong năm nay chỉ ở mức nhỉnh hơn 3% chút đỉnh.
Những hoạt động kinh tế yếu kém trong nước cộng với sự bất trắc của thị trường quốc tế đã gây thiệt hại cho các hoạt động xuất khẩu – vốn là đầu tàu tăng trưởng của Thái Lan trong nhiều thập niên qua.
Chính phủ cho biết họ định chi tiêu hơn 100 tỉ đô la cho chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng kéo dài 7 năm tính từ năm 2015, từ nâng cấp cơ sở hạ tầng cho tới quản lý nguồn nước.
Những vụ xung đột chính trị kéo dài ở Thái Lan trong những năm gần đây đã khiến cho việc chi tiêu vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu bị trì hoãn hoặc bị bỏ lơ.
Bà Thanomsiri Fongarunrung, chuyên gia kinh tế của công ty chứng khoán Phatra ở Bangkok, nói rằng chi tiêu của chính phủ hiện nay rất cần thiết cho việc cải thiện cơ sở hạ tầng của ngành giao thông đường sắt.
"Chỉ có chính phủ mới có thể vực dậy nền kinh tế thông qua những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Chúng tôi cũng có phí tổn cao trong lãnh vực giao thông vận tải. Chúng tôi có thể giảm bớt phí tổn bằng cách sử dụng đường sắt để thay cho xe tải và đường lộ, và việc đó sẽ có hiệu quả hơn về mặt chi phí sản xuất. Ngoài ra, các nước láng giềng của chúng tôi đang phát triển khá nhanh cho nên chúng tôi cần có một sự liên kết với những khu vực đang phát triển nhanh chóng đó."
Hồi đầu tuần này, chính phủ đã họp với các viên chức của Tổng Công ty Đường sắt Quốc gia SRT để bàn về việc tái cơ cấu và cải tổ công ty quốc doanh có nhiều nợ nần này.
Những kế hoạch phát triển hệ thống đường sắt cấp vùng đã được soạn thảo từ những năm của thập niên 1990. Chính phủ trước đây của Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã đề nghị xây dựng một tuyến đường xe lửa cao tốc. Nhưng chính phủ do quân đội hậu thuẫn đã quyết định không xây đường xe lửa cao tốc nữa mà quay sang hệ thống đường ray kép, một hệ thống cho phép các chuyến xe lửa chạy ngược chiều nhau trên đường ray riêng. Kế hoạch này cũng nhắm tới mục tiêu làm cho xe lửa có thể chạy với tốc độ 180 kilo mét giờ.
Bà Luxmon Attapich, kinh tế gia cấp cao của Ngân hàng Phát triển Châu Á, nói rằng các dự án cơ sở hạ tầng sẽ có ích cho việc kích thích sự tăng trưởng của nền kinh tế đang bị trì trệ của Thái Lan.
"Đầu tư vào cơ sở hạ tầng là có ích xét theo ý nghĩa đó, đầu tư vào đường sắt. Tôi xin nhắc lại là các cuộc nghiên cứu khả thi về hệ thống đường ray kép đã được hoàn tất từ lâu. Dự án này đã sẵn sàng để được thực hiện, và nếu hoạt động xây dựng có thể bắt đầu trong năm nay thì điều đó sẽ thật sự có ích cho GDP trong năm nay.
Một tuyến đường chính trong kế hoạch xây dựng đường sắt sẽ nối thị trấn Nongkhai giáp với Lào và chạy dài hơn 620 kilomét về hướng nam để tới vùng công nghiệp ven biển Map Ta Phut của tỉnh Rayong và thủ đô Bangkok ở kế bên."
Tính tổng cộng, hệ thống đường sắt gồm 6 tuyến ray kép dài hơn 900 kilomét này sẽ có kinh phí đầu tư hơn 4 tỉ đô la.
Nguồn vốn chính có thể có của dự án này là Trung Quốc. Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Triều Tiên đều tham gia đấu thầu cho dự án này. Nhưng Trung Quốc rốt cuộc đã ký một biên bản với Thái Lan để cung ứng nguồn vốn cho dự án xây đường ray mới. Các tuyến đường sắt này phù hợp với những kế hoạch đã có từ lâu để nối kết Trung Quốc với các nước Đông Nam Á.
Cuối năm ngoái, Trung Quốc đã thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á, bao gồm mười nước trong khối ASEAN. Ngân hàng mới này được xem là có mục tiêu đối trọng với Ngân hàng Phát triển Châu Á và Ngân hàng Thế giới.
Bước kế tiếp để tiến tới sự hợp nhất của các tuyến đường sắt khu vực sẽ diễn ra vào tháng tới, khi Bộ trưởng Giao thông Thái Lan, ông Prajin Juntong, họp tại Vientiane với chính phủ Lào để bàn về việc xây dựng các tuyến xe lửa ray kép nối liền Bangkok, Vientiane và Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.