Thái Lan báo cáo có tiến bộ trong các nỗ lực ngăn chặn nạn buôn người và các tập tục lao động ngược đãi công nhân di trú. Thông tín viên VOA Ron Corben tại Bangkok tường thuật về các biện pháp chính phủ đang tiến hàng sau khi vấp phải sự chỉ trích của Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền.
Trong năm 2014, Mỹ đã đánh tụt hạng Thái Lan trong báo cáo về nạn buôn người còn gọi tắt là TIP, đánh giá rằng nước này không cho thấy mấy dấu hiệu cải thiện thành tích về nạn buôn người và lao động bất hợp pháp.
Trong nhiều ngành công nghiệp của Thái Lan, từ các tàu đánh cá, các nhà máy cho đến các nông trại, các tổ chức nhân quyền than phiền rằng nhiều công nhân nước ngoài đang bị khai thác, trả lương rất ít và được trông đợi phải làm nhiều giờ dưới những đe doạ bạo lực.
Hoa Kỳ đã cho Thái Lan tụt xuống hạng thấp nhất, tức là Loại 3, khiến cho nước này có thể bị các biện pháp chế tài phi thương mại và phi nhân đạo, cũng như bị đình chỉ hỗ trợ từ các cơ chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới.
Thái Lan có số công nhân di trú ước tính lên tới 3 triệu người, phần lớn là công nhân không có giấy tờ hợp pháp từ Miến Điện, cũng như Campuchia, Lào và Việt Nam. Bản phúc trình của Hoa Kỳ nói các nạn nhân bị mua bán thường bị cưỡng bách lao động và phải hành nghề mãi dâm còn gồm cả những người từ Trung Quốc, Nga, Uzbekistan, Ấn Độ và Fiji.
Năm ngoái Thủ tướng Thái Prayut Chan-ocha kêu gọi thành lập các uỷ ban đặc biệt để giám sát việc thiết lập các chính sách mới nhằm diệt trừ nạn buôn người và cải thiện quyền công nhân trong nhiều ngành công nghiệp.
Tuần này, Bộ Ngoại giao Thái Lan công bố một phúc trình tạm thời về luật lệ gắt gao hơn của chính phủ và các biện pháp chống nạn buôn người.
Phó Ngoại trưởng Thái Lan, ông Don Pramudwinai, nói tại một cuộc họp báo rằng ông tin các chương trình này đánh dấu tiến bộ trong việc giải quyết những vấn đề về nạn buôn người.
Ông Pramudwinai nói: “Trong 6 tháng vừa qua, có những kết quả cụ thể … nơi có các khoản tu chính bộ luật, và các vấn đề liên quan đến các nạn nhân, cũng như việc thực thi – tất cả các biện pháp thực thụ này, có thể được thực thi một cách rất hữu hiệu.”
Các biện pháp bao gồm những luật lệ gắt gao hơn để bảo vệ lao động trong ngành ngư nghiệp, kể cả việc tăng mức lương tối thiểu cho công nhân và bảo đảm mọi người đều có một hợp đồng lao động. Trong khu vực nông nghiệp, số tuổi đã được tăng lên tới 15 tuổi.
Chính phủ cho biết đã tiếp xúc với xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ để thực thi và theo dõi các chính sách.
Tại tỉnh Phang Na phía nam Thái Lan, ông Htoo Chit, một nhân viên nhân quyền Miến Điện và đứng đầu một cuộc vận động cho biết tổ chức đang hợp tác với chính phủ trong một dự án thí điểm về ngư nghiệp.
Nhưng ông Htoo Chit nói mặc dầu chính sách đánh dấu một sự cải thiện so với các chính quyền trước, kể cả việc đăng ký lao động hiện đang không có giấy tờ hợp pháp, vẫn còn nhiều việc phải làm.
Ông Chit cho biết: “Họ đang làm nhiều hơn. Ý tôi muốn nói là so với chính phủ trước. Nhưng vẫn chưa đủ mạnh. Chẳng hạn như họ tìm cách cung cấp tình trạng hợp pháp cho di dân nói chung… nhưng đa số nạn nhân bị mua bán không có giấy tờ hợp pháp vì thê họ cần phải theo dõi cả những tàu bè ngoài khơi.”
Theo các quy định mới, chính phủ bắt buộc đến tháng 2, mọi tàu bè ra khơi phải đăng ký với việc thiết đặt các hệ thống theo dõi tàu bè VMS trên tất cả các tàu thuyền.
Bà Kanchana Patachoke, phó tổng giám đốc trong Bộ Ngoại giao Thái, nói rằng Thái Lan đang tìm cách cải thiện vị thế của mình bằng cách tuân thủ các thủ tục quốc tế về buôn bán người.
Bà Patachoke nói: “Thái Lan cũng đang được sự hợp tác của các tổ chức quốc tế và Liên Hiệp Quốc. Các nghĩa vụ của Thái Lan theo Công ước về Tội phạm Xuyên Quốc gia UNTOC. Thái Lan cũng là một bên trong công ước về buôn bán người hay đưa lậu di dân và chúng tôi đang cứu xét việc tuân thủ công ước về việc đưa lậu di dân nữa.”
Phó Ngoại trưởng Thái Don Pramudwinai nói với đài VOA rằng mục tiêu vẫn là xoá bỏ nạn lao động cưỡng bách và buôn người ra khỏi Thái Lan.
Ông Pramudwinai cho biết: “Chúng tôi đang nhắm vào mục tiêu – mục tiêu là xoá sạch càng nhiều càng tốt mọi vấn đề đã ngăn trở xã hội chúng ta lâu nay trong việc đối phó với dân chúng, nhất là với các công nhân và giới phụ nữ của chúng ta. Tất cả những người đó phải được bênh vực. Nhưng dĩ nhiên trong khi làm như thế, chúng ta hy vọng rằng các hành động của chúng ta sẽ được kể tới khi xem xét bảng xếp hạng trong báo cáo TIP.”
Ông Phil Robertson, phó giám đốc phân nhánh châu Á của tổ chức Human Rights Watch, nói trong khi các chính sách được hoan nghênh, còn nhiều việc phải làm về vấn đề thực thi, nhất là đối với những khối dân yếu thế nhất như người Hồi giáo Rohingya và Bangladesh, là những nạn nhân bị mua bán ở Thái Lan.
Ông Robertson nhận định rằng: “Chúng ta đã thấy nhiều lần những lời hứa được đưa ra, những cam kết được quảng bá, những hứa hẹn thay đổi luật lệ nhưng không có biện pháp nào được thực hiện về tình trạng được miễn trừ. Miễn trừ trong việc tiếp tục mua bán người, những gì xảy ra cho người Rohingya, cho những di dân bị ép buộc lên các tàu đánh cá khơi ra các nghi ngờ nghiêm trọng rằng một lần nữa đây lại là nỗ lực của chính phủ Thái Lan nhằm biện luận để tránh né vấn đề.”
Chính phủ Thái Lan cho biết các nỗ lực ngăn chặn nạn buôn bán người đang được dành cho ưu tiên hàng đầu. Một tóm lược báo cáo về các chính sách của chính phủ sẽ được chuyển cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào cuối tháng này.