Nay mai không cần mật khẩu để mở email?

  • Faiza Elmasry

Nay mai không cần mật khẩu để mở email?

Các sản phẩm công nghệ ngày càng thu hẹp khoảng cách giữa khoa học giả tưởng và khoa học ngoài đời, mang lại những thay đổi lớn trong cuộc sống con người. Các chuyên viên của IBM dự báo không bao lâu nữa, chúng ta sẽ không còn cần mật khẩu để bước vào Internet, và không còn bận tâm về một số chuyện khác.

Năm nay là năm thứ 6 công ty IBM công bố dự báo hàng năm có tên Five-in-Five, 5 phát minh chúng ta có thể gặp trong 5 năm sắp tới.

Một trong những phát minh này là chúng ta có thể phát ra một số năng lượng nhỏ để phụ vào số điện chúng ta dùng trong nhà. Ông Bernie Meyerson, Phó ban Phát minh của IBM giải thích:

“Lấy ví dụ, một người ở một nước nghèo, có điện thoại di động nhưng khu vực đó không có điện thì làm sao sạc điện thoại? Đại khái trong giày dép của người đó có một bộ phận thu hồi được năng lượng trong lúc người đó đi đứng, năng lượng này có thể dùng để sạc pin cho điện thoại di động.”

Một phát minh mà có lẽ những người hay quên mật khẩu khỏi cần phải lo nữa. Nay may, muốn kiểm tra email hoặc giao dịch với ngân hàng qua Internet, người ta sẽ dùng công nghệ sinh trắc. Mỗi người có một dấu tay hoặc tròng mắt riêng biệt, không ai giống ai. Tiến sĩ Meyerson của IBM:

“Máy móc sẽ nhận ra bạn. Mỗi lần bạn tiến gần đến máy rút tiền ATM, máy chỉ cần liếc một cái là biết bạn là ai.”

Ông Meyerson nói trong vòng 5 năm nữa chúng ta không còn nhận thư rác trong hộp thư email, sẽ có một công cụ xóa chúng trước khi chúng lọt vào hộp thư của bạn.

Một dự báo nữa: trong tương lai, chúng ta chỉ cần nghĩ trong đầu, không cần làm một động tác nào hoặc nói một lời nào, để sai bảo một công cụ điện tử làm chuyện gì.

Phát minh này giúp ích cho những người bị tật nguyền, những người bị liệt tứ chi, họ có thể dùng các sóng trong não để ra lệnh cho các máy móc phục vụ họ, nhờ vậy họ có cuộc sống tự lập hơn, khỏi ngại phiền người khác giúp đỡ.

Phát minh thứ 5, trong tương lai hầu như ai cũng có điện thoại di động hoặc điện thoại thông minh. Khi đó các điện thoại sẽ có chức năng thông dịch, người chủ điện thoại sẽ sử dụng chức năng này để giao thiệp với nhau, cho dù họ nói ngôn ngữ nào.

Trong quá khứ, các dự báo 5 trong 5 của IBM có cái đúng có cái sai, nhưng theo ông Meyerson, chúng khuyến khích các nhà nghiên cứu tìm tòi những phương tiện mới để biến trí tưởng tượng thành hiện thực.