Hai tàu hải quân Ấn Độ hôm 2/8 cập cảng Papua New Guinea, nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của nước này đối với các siêu cường toàn cầu là Mỹ và Trung Quốc cũng như các đồng minh của họ.
Một quan chức của Đại sứ quán Ấn Độ cho biết rằng tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường INS Kolkata và tàu khu trục nhỏ INS Sahyadri sẽ lưu lại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea trong hai ngày. Tuyên bố của đại sứ quán cho biết thêm rằng chuyến thăm sẽ "tăng cường hợp tác hàng hải và an ninh trong khu vực". Ấn Độ hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của nhóm G20.
Sau đó, các tàu sẽ tham gia các cuộc tập trận hải quân ở Australia trong khuôn khổ của Đối thoại Tứ giác An ninh, còn được gọi là Quad – nhóm bao gồm cả Nhật Bản và Mỹ. Cuộc tập trận chung có tên Malabar bắt đầu vào ngày 4/8.
Mỹ và các đồng minh đang tìm cách ngăn chặn các quốc đảo ở Thái Bình Dương thiết lập quan hệ an ninh với Trung Quốc, một mối lo ngại gia tăng trong bối cảnh căng thẳng về Đài Loan và sau khi Bắc Kinh ký hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon. Papua New Guinea đã ký một thỏa thuận quốc phòng với Washington vào tháng Năm.
Các nhà lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương, nơi có lãnh thổ rộng 40 triệu km2, cho biết mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu là ưu tiên an ninh cấp bách nhất của họ.
Chuyến cập cảng của hải quân Ấn Độ diễn ra sau chuyến thăm vào tháng 5 của Thủ tướng Narendra Modi tới Papua New Guinea, một quốc gia kém phát triển nhưng giàu tài nguyên nằm ở phía bắc của Australia. Thủ tướng Modi đã tham gia cuộc họp thượng đỉnh của các quốc gia Thái Bình Dương.
Các nhà lãnh đạo của cả Pháp và Indonesia, cũng như các quan chức cấp cao của Mỹ và Anh, cũng đã nhanh chóng đến thăm Papua New Guinea. Tổng thống Mỹ Joe Biden buộc phải hủy chuyến thăm tới đây vì các cuộc đàm phán về trần nợ công tại Washington.
Michael Green, Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Sydney, cho biết đây không phải là lần đầu tiên Quần đảo Thái Bình Dương thu hút sự chú ý của thế giới trong quá trình chuyển đổi lớn trong quan hệ quốc tế.
Theo ông Green, cựu cố vấn an ninh quốc gia cấp cao của Hoa Kỳ, cho biết vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ nhất, quần đảo này "đã thu hút sự chú ý" tại Hiệp ước Hải quân Washington 1921-1922 trong bối cảnh lo ngại về việc Nhật Bản tiếp cận một tuyến cáp ngầm dưới biển.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ "quyết tâm giữ các hòn đảo từng thuộc về Nhật Bản nằm ngoài khối Cộng sản vì chúng rất quan trọng để bảo vệ sườn phía nam bên dưới Nhật Bản và bên trên Australia," ông Green nói, và cho biết thêm rằng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, các sân bay và cáp ngầm dưới biển ở quần đảo Thái Bình Dương lại được sử dụng.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Papua New Guinea. Giám đốc Chương trình Quần đảo Thái Bình Dương tại viện nghiên cứu Lowy Institute, Meg Keen, cho biết việc Trung Quốc thúc đẩy an ninh gần đây đã "gây lo ngại cho các nước phương Tây có lợi ích quốc gia mạnh mẽ trong khu vực".
"Mỹ đang cố gắng đạt được một thỏa thuận an ninh song phương với Papua New Geinea và cho thấy họ vẫn ở lại khu vực này và sẽ tạo ra sự khác biệt tích cực. (Nhưng) cho đến nay, các cam kết của (Mỹ) vẫn còn khiêm tốn," bà Keen nói.
Bà còn cho biết các quốc đảo Thái Bình Dương đã hoan nghênh sự quan tâm bổ sung từ phương Tây nhưng sẽ tiếp tục quan hệ với Trung Quốc.