Indonesia, theo yêu cầu của Interpol, vừa bắt giữ một tàu đánh cá lậu chở theo 600 chiếc lưới đánh cá bất hợp pháp với tổng chiều dài khoảng 30 km. Bộ Ngư nghiệp Indonesia cho biết trước đó nhiều nước khác đã tìm cách bắt chiết tàu cá lậu này nhưng không được.
Bộ Ngư nghiệp nói rằng chiếc tàu mang số hiệu STS-50 nhắm mục tiêu đánh bắt cá răng Nam cực, một loại cá tuyết giữ một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái Nam đại dương.
Đánh bắt cá bằng lưới giăng mắt nhuyễn bị cấm tại vùng biển Nam cực từ năm 2006. Australia xem cách đánh bắt bằng lưới giăng mắt nhuyễn này tạo ra một mối đe doạ khôn lường cho “hầu như mọi loài sinh vật biển.”
Thông báo của Bộ Ngư nghiệp hôm Chủ nhật nói rằng tàu STS-50 không có quốc tịch rõ ràng. Chiếc tàu này trốn thoát giới hữu trách bằng cách treo 8 cờ khác nhau vào những thời điểm khác nhau, bao gồm cờ của Sierra Leone, Togo, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Micronesia và Namibia.
Bộ trưởng Ngư nghiệp Susi Pudjiastuti nói trong thông báo rằng cơ quan hình cảnh quốc tế Interpol liên lạc với Indonesia hồi tuần trước và yêu cầu Jakarta điều tra con tàu này.
Ông Pudjiastuti nói: “Tàu hải quân Simeuleu đã chặn lại khám xét và bắt giữ chiếc tàu đánh cá lậu hôm thứ Sáu.”
Vẫn theo lời ông Pudjiastuti, chiếc tàu này trước đó đã từng bị Trung Quốc bắt giữ, những đã trốn thoát, rồi kế đến bị bắt giữ tại cảng Maputo của Mozambique, rồi lại trốn thoát.
Thông báo của Bộ Ngư nghiệp nói tiếp rằng trước khi bị bắt giữ ngoài khơi đảo Weh, thuộc tỉnh Aceh ở tây bắc Indonesia, chiếc tàu này đã sử dụng những tên khác nhau, bao gồm Sea Breeze, Andrey Dolgov, STD No. 2 và Aida.
Dữ liệu hàng hải của Reuters cho thấy chiếc tàu dài 54 mét, trọng tải 452 tấn được đóng vào nằm 1985.
Thông báo của Indonesia cho biết vào lúc bị bắt giữ, chiếc STS-50 có 20 thuỷ thủ người Indonesian và Nga trên tàu.
Hiện chưa có tin tức các thuỷ thủ này bị xử lý như thế nào.
Thông báo trích lời Phó Tham mưu Hải quân Achmad Taufiqoerrochman nói rằng các thuỷ thủ người Indonesia không có giấy tờ tuỳ thân đã làm việc trên tàu này trong một thời gian dài mà không được trả lương, ám chỉ những người này có thể là nạn nhân của bọn buôn người.
Đánh bắt cá răng nam cực được quản lý theo quy định của Công ước bảo tồn tài nguyên sống biển Nam cực. Quy định này cấm đánh bắt cá bằng lưới giăng mắt nhuyễn, và triệt để áp dụng các quy định đánh bắt cá ở Nam Đại dương.
Ông Pudjiastuti nói: “Chúng tôi muốn lấy vụ này làm một ví dụ để kêu gọi thế giới nhất quyết không khoan nhượng cho đáng bắt cá lậu.”
Indonesia đã tiêu huỷ hằng trăm tàu đánh bắt cá lậu của nước ngoài kể từ năm 2014 trong một nỗ lực bảo vệ nguồn hải sản và ngư dân của nước này.
Năm 2016, Indonesia đã giúp Interpol trong vụ bắt giữ một chiếc tàu lớn bị tình nghi đánh bắt cá lậu, mang cờ Trung Quốc, sau khi tàu này bị hải quân Argentina bắt nhưng trốn thoát được vào hải phận quốc tế.
Cũng trong năm 2016, Indonesia dùng chất nổ đánh chìm một chiếc tàu lớn chuyên đánh bắt lậu các răng Nam cực. Chiếc tàu đó sử dụng 12 tên khác nhau và mang cờ của ít nhất 8 nước.