Ngày 10/7, nhóm tàu chiến của Mỹ do hàng không mẫu hạm USS Nimitz dẫn đầu đã bắt đầu các cuộc tập trận hải quân với Ấn Độ và Nhật Bản. Hải quân Mỹ nói các cuộc tập trận sẽ giúp ba nước đương đầu với các mối đe dọa hàng hải trong khu vực châu Á Thái Bình Dương
Theo tin Reuters, cuộc tập trận thường niên mang tên Malabar đang diễn ra ở ngoài khơi bờ biển Ấn Độ. Đây là cuộc tập trận lớn nhất kể từ khi Ấn Độ và Hoa Kỳ bắt đầu tập trận từ năm 1992. Nhật Bản sau đó được mời tham gia.
Các giới chức quân đội Mỹ cho biết tham gia các cuộc tập trận ngoài hàng không mẫu hạm USS Nimitz, còn có hàng không mẫu hạm Vikramaditya của Ấn Độ và tàu khu trục trực thăng Izumo của Nhật Bản. Cuộc tập trận chung có mục đích giúp duy trì cán cân lực lượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương chống lại sức mạnh ngày càng tăng của một nước Trung Quốc đang trỗi dậy.
Cả ba nước đều quan ngại về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông, và rộng hơn, sự hiện diện quân sự ngày càng quy mô của Bắc Kinh trong khu vực.
Các cuộc tập trận hàng hải diễn ra giữa lúc Ấn Độ và Trung Quốc đang rơi vào bế tắc trong vụ tranh chấp biên giới trên đất liền trên dãy Hy Mã Lạp Sơn.
Trong một thông báo, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết cuộc tập trận sẽ giúp ba nước hoạt động với nhau và Bộ Tư Lệnh đang học cách phối hợp với hải quân Ấn Độ.
Ấn Độ và Hoa Kỳ từng ở hai bên đối nghịch trong cuộc chiến tranh lạnh kéo dài nhiều thập kỷ. Nhưng trong những năm gần đây, hai nước đã trở thành đối tác quốc phòng quan trọng của nhau.
Trước đây, Trung Quốc chỉ trích các cuộc tập trận này là gây bất ổn cho khu vực.
Năm nay, Ấn Độ đã bác yêu cầu của Australia xin tham gia tập trận vì lo ngại sẽ làm Bắc Kinh bất bình hơn nữa.
Hải quân Ấn cho hay cuộc tập trận tập trung vào các hoạt động của hàng không mẫu hạm và cách săn tàu ngầm.
Vài ngày trước khi diễn ra cuộc tập trận Malabar, truyền thông cho biết trong hai tháng vừa rồi, hải quân Hoa Kỳ đã phát hiện hơn một chục tàu quân sự Trung Quốc, kể cả tàu ngầm, ở Ấn Độ Dương.
Vụ tranh chấp lâm vào bế tắc ở vùng cao nguyên tiếp giáp với Trung Quốc, kế cận bang Sikkim nhiều núi non của Ấn Độ, đã làm căng thẳng leo thang giữa hai cường quốc khu vực.