Tập đoàn Nhật kiện công ty nhà nước Việt Nam vì chậm trễ thi công tuyến tàu điện ở TPHCM

Tàu tuyến metro nối Bến Thành-Suối Tiên chạy thử đoạn qua trung tâm TPHCM tháng 8/2023.

Tập đoàn Hitachi của Nhật Bản đang yêu cầu một công ty đường sắt thuộc sở hữu của nhà nước Việt Nam bồi thường hơn 150 triệu USD vì sự chậm trễ nghiêm trọng trong việc xây dựng tuyến tàu điện đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh, theo truyền thông nhà nước đưa tin hôm 3/6.

Hitachi là nhà thầu của tuyến Metro số 1 nối giữa Bến Thành và Suối Tiên, vốn bị lùi thời hạn hoàn thành nhiều lần và đã đội vốn hàng chục nghìn tỷ đồng. Theo truyền thông trong nước, nhà thầu Nhật Bản phụ trách mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray, và bảo dưỡng cho tuyến metro này.

Nhưng tập đoàn Hitachi đã khởi kiện chủ đầu tư của tuyến metro, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR), lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) vì chậm chễ 4.124 ngày và đòi chi phí bồi thường gần 4.000 tỷ đồng (hơn 157 triệu USD), theo VnExpress.

Đây là thông tin vừa được MAUR gửi Sở Ngoại vụ thành phố để dự thảo báo cáo Thủ tướng và Bộ Ngoại giao về giải pháp tháo gỡ vướng mắc dự án dài 20km vốn được khởi công cách đây 12 năm. Nhưng chủ đầu tư cho rằng chi phí bồi thường là đơn phương từ phía Hitachi và chưa phản ánh được những chậm trễ do chính nhà thầu gây ra cho dự án, theo Tuổi Trẻ.

Đây là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của TPHCM, thành phố có dân số khoảng 9 triệu người. Theo dự kiến ban đầu, tuyến metro, có mức tổng đầu tư 43.700 tỷ đồng, sẽ được đưa vào hoạt động năm 2018. Theo VietnamFinance ghi nhận hồi tháng 9/2022, việc xây dựng tuyến tàu điện ngầm này đã đội vốn từ 7.387 tỷ đồng lên 43.757 tỷ đồng sau khi bị kéo dài thời hạn thi công.

Báo cáo của chủ đầu tư cho biết sự chậm trễ được cho là do một số yếu tố bao gồm sự phức tạp về thủ tục giấy tờ, thay đổi thiết kế, vấn đề giải phóng mặt bằng và đại dịch COVID.

Lịch khai trương mới nhất của tuyến metro, mà cho đến nay đã ngốn chi phí 1,7 tỷ USD, là quý 4 năm nay. Theo Tuổi Trẻ đưa tin hôm 16/5, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đã gửi công hàm cho Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi để yêu cầu cam kết về thời điểm này. Vị đại sứ cũng đề nghị Việt Nam giải quyết các vướng mắc tồn tại nhiều năm liên quan đến tranh cãi về điều khoản hợp đồng và việc kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Đây không phải là dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm duy nhất bị trì hoãn nhiều lần và đội vốn lớn ở Việt Nam.

Tuyến đường sắt đô thị trên cao đầu tiên và duy nhất của Việt Nam ở Hà Nội – do nhà thầu Trung Quốc xây dựng – cũng chậm trễ 7 năm so với kế hoạch. Tuyến đường dài hơn 13km, mới được khai trương năm 2022, có chi phí tăng vọt từ 550 triệu USD lên hơn 860 triệu USD.

Nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, được VietnamFinance trích lời hồi năm 2022, nói rằng “chuyện các dự án này chậm tiến độ là do các nhiệm kỳ trước lãnh đạo không làm tròn chức trách, nhiệm vụ. Nếu vẫn chưa tìm được ai chịu trách nhiệm và xử lý công khai, thì tình trạng này sẽ còn tiếp tục kéo dài, năm này qua năm khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của người dân.”

Ngân hàng Thế giới cho biết vào năm ngoái rằng việc thiếu cơ sở hạ tầng ở Việt Nam sẽ hạn chế khả năng thu hút và giữ chân nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả các doanh nghiệp muốn chuyển dịch khỏi Trung Quốc.