Bộ trưởng Quốc phòng của Tổng thống Donald Trump dự tính sẽ đến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc vào tuần tới. Ông đã chọn hai đồng minh thân thiết của Mỹ cho chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài trong tư cách người đứng đầu Ngũ Giác Đài, một giới chức giấu tên của Mỹ cho biết hôm thứ Ba.
Ông James Mattis, một tướng lãnh Thủy quân lục chiến về hưu, đã tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng ngay sau lễ nhậm chức của ông Trump hôm thứ Sáu. Chuyến đi thăm châu Á ngay sau khi lên nhậm chức của ông Mattis có thể được xem là một dấu hiệu về tầm quan trọng của những mối quan hệ an ninh đối với tân chính quyền Mỹ.
Chuyến đi được thực hiện ngay sau khi ông Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Quyết định huỷ bỏ hiệp định TPP bao gồm 12 quốc gia, giúp tân Tổng thống Mỹ thực hiện lời hứa đưa ra khi vận động tranh cử nhưng đã làm thất vọng rất nhiều đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ ở châu Á.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe xem TPP như là một phần trong chính sách đối trọng với một nước Trung Quốc đang trỗi dậy.
Ngay trong lúc này, chưa có thông tin chi tiết về hành trình của ông Mattis.
Tuy nhiên trong buổi điều trần nhận chức vụ trong tháng này, ông Mattis nói khu vực Thái Bình Dương là một ưu tiên, và các nhà phân tích dự kiến chính phủ của Tổng thống Trump sẽ tăng chi tiêu quân sự nhằm củng cố sự hiện diện của Mỹ ở châu Á.
Mối quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ trong khu vực là vấn đề vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa của Bắc Triều Tiên cũng như các động thái quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông.
Căng thẳng leo thang với Bắc Kinh hồi trong tuần khi Tòa Bạch Ốc của ông Trump cam kết bảo vệ “các lãnh hải quốc tế” trên hải lộ chiến lược này. Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố là họ có chủ quyền “không thể tranh cãi” đối với các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông.
Trong khi điều trần tại Thượng viện, ông Mattis cũng bày tỏ quan ngại về Bắc Triều Tiên. Ông mô tả các hoạt động của Bình Nhưỡng là “một mối đe dọa nghiêm trọng” mà Hoa Kỳ cần chú ý.
Hiện có khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc để giúp quốc gia này chống lại Bắc Triều Tiên.
Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ cho biết việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (THAAD) sẽ giúp bảo vệ Seoul tốt hơn để chống trả các khả năng hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, Trung Quốc nói hệ thống radar cực mạnh của THAAD có thể xâm nhập lãnh thổ của họ, khiến một số thủ lãnh đối lập Hàn Quốc đòi hoãn lại hoặc hủy bỏ kế hoạch triển khai này.