Đường dẫn truy cập

Mỹ ký hiệp ước phòng thủ với các nước Baltic


Binh sĩ Lithuania tham gia một cuộc tập trận của NATO gần Pabrade, Lithuania, 2/12/2016.
Binh sĩ Lithuania tham gia một cuộc tập trận của NATO gần Pabrade, Lithuania, 2/12/2016.

Hoa Kỳ vừa ký thoả thuận hợp tác quốc phòng với hai nước Baltic Lithuania và Estonia, chính thức hoá kế hoạch triển khai hàng ngàn binh sĩ tới các nước này nhằm tăng cường hệ thống phòng thủ của NATO trước sự hung hăng của Nga. Thông tín viên Henry Ridgwell của đài VOA tường trình rằng bốn tiểu đoàn liên quân đang được triển khai tại Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan.

Thoả thuận hợp tác quốc phòng sẽ hợp pháp hoá quy chế chính thức của các lực lượng vũ trang Mỹ trú đóng ở Estonia và Lithuania. Kế hoạch này nằm trong khuôn khổ của kế hoạch tăng cường quân sự lớn nhất của NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Số binh sĩ Nga đóng ở bên kia biên giới cao hơn lực lượng này xa. Nhưng các binh sĩ của lực lượng NATO đến từ nhiều nước thành viên được triển khai như một đơn vị phòng thủ ở tiền tuyến.

Ông Jonathan Eyal là chuyên gia của Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh Royal United Services của Anh. Ông nhận định:

"Tất cả các binh sĩ trong lực lượng đa quốc sẽ phải chịu chung số phận nếu một trong những nước này bị xâm lăng. Và do đó bất cứ một hành động xâm lăng nào đối với các nước này sẽ ngay lập tức kích hoạt phản ứng của tất cả các nước NATO."

Hoa Kỳ điều động gần 6.000 binh sĩ cùng xe tăng, máy bay và vũ khí hạng nặng. Các lực lượng Mỹ sẽ dẫn đầu tiểu đoàn NATO triển khai ở Ba Lan.

Nhưng những phát biểu hồi gần đây của Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump đã khiến các đồng minh châu Âu lo lắng. Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tuần này, ông Trump nói Liên minh Bắc Đại Tây Dương, tức NATO đã “lỗi thời.” Các nước ở tuyến đầu lo sợ Mỹ có thể giảm quân số của lực lượng triển khai sang các nước Baltic.

Chuyên gia Jonathan Eyal nhận định:

"NATO hiện là một tổ chức bị chia rẽ. Một số nước của NATO có quân đội Mỹ đồn trú. Một số nước khác thì không có binh sĩ Mỹ. Quyết định triển khai quân đội lần này là để cân bằng chiếc dù bảo vệ an ninh cho liên minh. Nếu có bất cứ ai ở Washington quyết định rút lại quyết định đó, thì cả liên minh sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng."

Nga đã triển khai tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và hàng ngàn binh sĩ tại Kaliningrad, một tỉnh của Nga nằm giữa biên giới của hai nước Ba Lan và Lithuania. Hồi đầu tuần này Lithuania loan báo sẽ dựng một hàng rào tại biên giới.

Bộ trưởng Nội vụ Lithuania, ông Eimutis Misiunas nói:

"Hàng rào dự trù sẽ cao hai mét, có những chướng ngại để khó leo qua hoặc đào bên dưới. Nhưng hàng rào đó không chặn được xe tăng hay các thiết bị quân sự khác."

Theo chuyên gia Linas Kojala của Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu ở thủ đô Vilnius của Lithuania, thì hàng rào được dựng lên ở biên giới còn có mục đích ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp khác.

"Mục đích đầu tiên của nó là để bảo đảm biên giới được theo dõi 24/24. Lính canh giữ ở đó có thể nhìn thấy những gì đang diễn ra dọc theo biên giới. Và tất nhiên còn nhiều chuyện khác có thể xảy ra ở biên giới, như buôn lậu, và những hoạt động mà chúng ta từng thấy do Nga khởi động, xâm nhập các nước láng giềng như Ukraine và thậm chí, Estonia."

Estonia tố cáo Nga đã bắt cóc một lính biên phòng của họ bên biên giới của Estonia trong một cuộc đột kích xuyên biên giới của quân đội Nga. Moscow thì khẳng định binh sĩ biên phòng của Estonia có mặt ở bên này biên giới, tức là bên trong lãnh thổ Nga.

Các nước NATO lo ngại Nga âm mưu sử dụng chiến thuật mập mờ tương tự như vậy, sau khi NATO triển khai lực lượng bổ sung sang các nước Baltic.

VOA Express

XS
SM
MD
LG