Hiệp định khung về hợp tác kinh tế giữa Đài Loan và Trung Quốc là thỏa thuận ý nghĩa nhất giữa 2 bên trong vòng 60 năm qua.
Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu mô tả tầm quan trọng của hiệp định:
“Hiệp định ký ngày 29 tháng 6 có qui mô rộng lớn và ảnh hưởng của nó rất to lớn. Nó thể hiện 3 bước tiến lớn: thứ nhất, nó tránh được những giới hạn hoạt động kinh tế Đài Loan; thứ hai, bình thường hóa mậu dịch giữa hai bên eo biển; và sau cùng, nó giúp nâng tính quốc tế hóa của Đài Loan.”
Kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2008, Tổng thống Mã Anh Cửu đã xúc tiến cải thiện bang giao kinh tế với Trung Quốc. Hai bên đã ký kết nhiều thỏa ước về nhiều ngành, chẳng hạn như du lịch.
Không phải người dân Đài Loan nào cũng tin rằng bang giao chặt chẽ hơn với Trung Quốc là điều tốt. Nhiều cuộc biểu tình đã xảy ra để chống lại thỏa ước kinh tế, các chính trị gia dẫn đầu các cuộc biểu tình này cho rằng Đài Loan nên tự tuyên bố là một quốc gia độc lập. Trung Quốc đã đe dọa tấn công quân sự nếu điều này xảy ra.
Đảng Dân Tiến đối lập nằm trong số những nhóm chủ trương phải thận trọng với Trung Quốc. Nhưng họ đã giảm bớt sự chỉ trích hiệp định khung một chút, kể từ khi những chi tiết sơ khởi được hoàn tất.
Ông Dương Đài Thuận, giáo sư môn chính trị thuộc trường Đại Học Văn Hóa Trung Hoa tại Đài Bắc lý giải:
“Trong giai đoạn hiện thời, nếu mở các tư liệu ra, chúng ta có thể thấy rõ Đài Loan đạt nhiều lợi ích trong hiệp định này hơn là phía Trung Quốc. Thực tế là như vậy. Đảng Dân Tiến không thể chỉ trích hiệp định này. Điều họ có thể nói là về tương lai, về lâu về dài, thứ lợi ích này có thể biến thành một loại thuốc độc đối với Đài Loan, vì Đài Loan sẽ phải nương dựa nhiều hơn vào Trung Quốc, và Trung Quốc sẽ kiểm soát những phát triển kinh tế của Đài Loan.”
Chính quyền của Tổng thống Mã Anh Cửu hy vọng thỏa ước kinh tế giữa 2 bên eo biển sẽ giúp kinh tế Đài Loan hội nhập với những quốc gia khác trong khu vực. Năm nay, Trung Quốc đã gia nhập một khu vực kinh tế tự do với ASEAN.
Trước kia, Trung Quốc đã cố gắng ngăn cản Đài Loan ký những thoả ước mậu dịch với các chính phủ khác. Nhưng sự chống đối này có vẻ đã thay đổi, vào tháng này Đài Loan và Singapore bắt đầu thương thảo một thỏa ước mậu dịch. Đài Loan cũng đang hy vọng ký được một thỏa thuận bảo vệ đầu tư với Nhật Bản; và thỏa thuận thương mại với Philippines và Malaysia.
Đài Loan và Trung Quốc mới đây đã ký một hiệp định kinh tế đáng ghi nhớ, trong đó loại bỏ thuế quan cho hàng trăm mặt hàng. Nếu các nhà làm luật Đài Loan thông qua thỏa ước, thì điều này sẽ mang nhiều ý nghĩa lâu dài về chính trị kinh tế đối với Đài Loan.