Tháng trước Tổng thống Mã Anh Cửu công khai tuyên bố ông sẽ tiến hành đàm phán với Trung Quốc về một hiệp định hòa bình trong vòng 10 năm tới đây nếu việc này được người dân Đài Loan ủng hộ.
Tuyên bố đó, một lần nữa, làm dấy lên cuộc tranh luận về vấn đề đã đến lúc thảo luận các vấn đề chính trị với Bắc Kinh hay chưa.
Bà Lại Hạnh Viên, Chủ tịch Ủy hội Hoa lục của chính phủ Đài Loan, nói rằng bà không thể bàn với Trung Quốc về hòa ước hay bất kỳ đề tài chính trị nào.
Bà nói rằng những cuộc thương thuyết có tính chất dấu mốc kéo dài trong hơn 3 năm qua đã mang lại 16 thỏa thuận về các vấn đề kinh tế và thương mại, nhưng đôi bên vẫn chưa tin nhau.
Bà cho biết có hai yếu tố làm cho việc thực hiện cuộc thảo luận có thực chất về hiệp định hòa bình. Đó là sự thiếu tin tưởng lẫn nhau và dân chúng Đài Loan không ủng hộ cho ý tưởng này.
Bà Lại Hạnh Viên nói rằng Tổng thống Mã Anh Cửu muốn có sự thay đổi của hai yếu tố đó trước khi thảo luận với Trung Quốc về vấn đề chính trị. Nhưng bà nói rằng đó là một việc rất khó, cho nên ông Mã Anh Cửu muốn dân chúng Đài Loan giữ bình tĩnh.
Các mối quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc đã được cải thiện với các cuộc đàm phán thương mại từ năm 2008, sau khi ông Mã Anh Cửu lên giữ chức tổng thống và tìm cách chấm dứt tình trạng đóng băng của mối quan hệ xuyên eo biển Đài Loan.
Cả hai bên đều chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột kể từ khi thập niên 1940, khi phe Quốc Dân Đảng của ông Tưởng Giới Thạch phải chạy qua Đài Loan sau khi bị thất bại trong cuộc nội chiến với phe Cộng Sản.
Cho đến nay Trung Quốc vẫn tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và chưa từ bỏ đe dọa sử dụng vũ lực. Các giới chức Đài Loan tin rằng Trung Quốc đang bố trí 1.900 phi đạn nhắm vào Đài Loan.
Bà Lại Hạnh Viên cho biết mối đe dọa quân sự này cần phải chấm dứt trước khi Đài Loan cảm thấy thoải mái để tiến hành các cuộc đàm phán chính trị.
Bà Lại Hạnh Viên nói rằng Đài Loan cần cảm thấy Trung Quốc không phải là một mối đe dọa và Bắc Kinh phải chấm dứt các chính sách quân sự đối với Đài Loan.
Bà nói rằng điều đó có ý nghĩa nhiều hơn so với vấn đề phi đạn vì phi đạn có thể được di chuyển từ nơi này tới nơi khác. Bà nói thêm rằng người dân Đài Loan sẽ hoan nghênh việc Trung Quốc từ bỏ tất cả các chính sách quân sự nhắm vào đảo quốc này.
Trước khi đảm nhận chức vụ trong chính phủ vào năm 2008, bà Lại Hạnh Viên là một nhà lập pháp thường xuyên chỉ trích Trung Quốc.
Bà cho biết Đài Loan sẽ tiếp tục đường lối là thảo luận trước về những vấn đề ít nhạy cảm, như vấn đề kinh tế, với Trung Quốc. Bà nói rằng một hiệp định về bảo vệ đầu tư sẽ được ký kết vào năm tới.
Bà Lại nói rằng các điều kiện cho việc đàm phán chính trị chưa chín muồi và vẫn còn nhiều vấn đề thương mại và kinh tế cần được thương thảo với Bắc Kinh. Bà cho rằng đàm phán chính trị không thể thực hiện nếu đôi bên không tin tưởng lẫn nhau.
Bà cho biết vấn đề cắt giảm thuế quan là một ưu tiên chính sách của Đài Loan hiện nay, đặc biệt là trong lãnh vực dịch vụ. Các công ty Đài Loan đã đầu tư vào Trung Quốc hơn 150 tỉ đô la và muốn thị trường Trung Quốc được mở rộng thêm nữa.
Bà Lại Hạnh Viên nói rằng trái với nhận định của nhiều nhà phân tích ở Đài Loan, hiện nay chính phủ không có thời biểu cho việc đàm phán chính trị và Trung Quốc không hề làm áp lực đòi Đài Loan nhanh chóng đàm phán chính trị.
Bà Lại nói rằng việc đàm phán cần có sự đồng ý của đôi bên, như cần hai người để nhảy tango. Cho nên nếu một bên cảm thấy chưa cần đàm phán thì đó cũng là chuyện dễ hiểu.
Sự đồn đoán về hiệp định hòa bình là một đề tài nóng bỏng trong cuộc vận động bầu cử Tổng thống ở Đài Loan. Ông Mã Anh Cửu đang tranh đua với bà Thái Anh Văn của đảng Dân Tiến, là đảng có chủ trương giữ khoảng cách xa hơn với Trung Quốc.
Bà Lại Hạnh Viên nói rằng phe đối lập đang thổi phồng vấn đề hiệp định hòa bình trước cuộc bầu cử ngày 14 tháng giêng, để tìm cách bôi nhọ Tổng thống Mã Anh Cửu với lập luận cho rằng ông Mã muốn bán đứng Đài Loan cho Trung Quốc.
Giới chức Đài Loan đứng đầu cơ quan phụ trách chính sách Hoa Lục cho biết chính phủ ở Đài Bắc không đủ tin tưởng ở Trung Quốc để theo đuổi một hiệp định hòa bình với đối thủ của mình trong hơn 60 năm. Tháng trước Tổng thống Mã Anh Cửu của Đài Loan tỏ ý cho thấy một hòa ước có thể đạt được trong vòng 10 năm. Tuy nhiên trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho thông tín viên Ralph Jennings của đài VOA, bà Lại Hạnh Viên, Chủ tịch Ủy hội Hoa lục, nói rằng khó lòng đạt được một hòa ước như vậy.