Sau hơn 20 năm có tỉ lệ tăng trưởng kinh tế trung bình hơn 10% một năm, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn hàng thứ nhì thế giới vào năm 2010.
Năm nay, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc tuy bị sút giảm vì tình trạng suy thoái toàn cầu, nhưng vẫn còn ở mức khá cao là hơn 9%.
Điều thường được gọi là “phép lạ kinh tế Trung Quốc” đã đưa hàng trăm triệu người thoát cảnh nghèo túng và làm cho một số người Trung Quốc cảm thấy rất hãnh diện và họ cho rằng đất nước của họ giờ đây đã có đủ khả năng để “tranh hùng tranh bá” với Hoa Kỳ.
Một số người cho rằng mô thức phát triển của giới lãnh đạo Đảng Cộng Sản ở Bắc Kinh có thể làm gương cho các nước trong thế giới thứ 3 và Trung Quốc nên tăng cường những nỗ lực để phát huy sức mạnh mềm trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người nói rằng thành quả kinh tế của Trung Quốc đã được đánh đổi với những cái giá quá đắt, trong đó có sự hủy hoại của môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội.
Tiến sĩ Trịnh Vĩnh Niên, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Á của Đại học Quốc gia Singapore, nói rằng sự chú trọng quá độ của giới lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc về tỉ lệ tăng trưởng kinh tế đã làm cho đạo đức trong xã hội bị suy sụp một cách nghiêm trọng. Ông cho biết như sau trong bài viết có nhan đề “Chủ nghĩa GDP và Sự sụp đổ của Đạo đức ở Trung Quốc”.
Trung Quốc ngày nay có hai hiện tượng nổi bật tồn tại cùng một lúc: một mặt, kinh tế phát triển nhanh chóng trong 3 thập kỷ qua, tạo ra một phép lạ trong lịch sử kinh tế thế giới; mặt khác, đạo đức xã hội bị tan rã.
Hai hiện tượng này có thể phát xuất từ cùng một nguồn là chủ nghĩa GDP ngày càng thịnh hành trong xã hội.
Tiến sĩ Trịnh Vĩnh Niên cho biết sau khi thịnh hành trong nhiều năm, chủ nghĩa GDP giờ đây đã phát triển để trở thành một hệ tư tưởng vô cùng kiên cố. Ông giải thích như sau:
"Trong một thời gian dài, chủ nghĩa GDP là chính sách tổng thể của chính phủ Trung Quốc để kích thích phát triển kinh tế. Chính phủ thiết lập một mục tiêu phát triển định lượng, rồi mang mục tiêu này phân giải “một cách khoa học”, và ra lệnh cho các quan chức ở các cấp thực hiện. Đương nhiên, tăng trưởng GDP đã trở thành chỉ tiêu quan trọng nhất để thăng quan tiến chức. Nhìn từ góc độ này, có vẻ như rất khó để đổ lỗi cho cán bộ các cấp, bởi vì chỉ tiêu GDP đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của hệ thống chính trị. Tất nhiên, đối với các quan chức ở các cấp, GDP không chỉ là quyền lợi chính trị, mà còn là lợi ích kinh tế. Một khi kinh tế phát triển thì quan chức các cấp sẽ có được những lợi ích kinh tế đáng kể."
Trong nhiều năm qua, nhiều người ở Trung Quốc cũng như ở nước khác trên thế giới đã đề cập tới những khía cạnh tiêu cực trong quá trình phát triển của Trung Quốc, như chênh lệch giàu nghèo quá cao, quyền lợi của giới lao động không được bảo vệ thỏa đáng, và môi trường thiên nhiên bị xuống cấp nghiêm trọng.
Nhưng theo Tiến sĩ Trịnh Vĩnh Niên, giá thành xã hội lớn nhất của mô thức phát triển này là sự băng hoại của hệ thống đạo đức, đưa tới sự tan rã của lòng tin giữa các nhóm người và giữa con người với con người ở Trung Quốc. Ông giải thích thêm như sau:
"Cốt lõi của chủ nghĩa GDP là làm thế nào để “tiền tệ hóa” mọi việc, hay nói như Marx là “thương phẩm hóa”. Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông không nói tới “thương phẩm hóa”. Khi đó, tất cả mọi thứ đều bị chính trị hóa, có nghĩa là mọi thứ được phân phối thông qua quyền lực chính trị. Vì cơ chế thị trường bị loại trừ nên kinh tế phát triển thiếu hiệu quả, dẫn đến sự nghèo đói trong một xã hội theo xã hội chủ nghĩa. Sau khi cải cách và mở cửa, kinh tế thị trường được tái lập. Cơ chế thị trường dẫn đến việc phân bổ hiệu quả các nguồn lực, và nhờ đó mà kinh tế đã phát triển mạnh."
Tiến sĩ Trịnh Vĩnh Niên cho rằng sự phát triển kinh tế và phát triển xã hội của Trung Quốc bị mất cân đối nghiêm trọng, dẫn đến sự chuyển đổi từ “lấy con người làm gốc” (dĩ nhân vi bản) sang “lấy tiền làm gốc” (dĩ tiền vi bản).
Ông tố cáo giới lãnh đạo Trung Quốc đã tiếp tay cho giới tư bản để đẩy nhanh việc “tiền tệ hóa” các mối quan hệ xã hội, làm cho đạo đức xuống cấp. Ông viết như sau:
"Các quan chức các cấp đã "phát minh" rất nhiều cách thức khác nhau. Nhiều nơi, chính phủ tìm đủ mọi cách để sử dụng tất cả những phương pháp có thể có (bao gồm cả những phương pháp vô đạo đức hay có tác động rất tiêu cực đối với đạo đức) để thúc đẩy cho kinh tế địa phương được phát triển, và thậm chí còn dung túng và khuyến khích người dân phát triển “kinh tế bán máu” (việc này đã tạo ra rất nhiều làng AIDS ở tỉnh Hà Nam). Việc các quan chức của Đảng và nhà nước "nuôi gái" (bao ơ nài) và có những hành vi thối nát đủ loại đã trở thành một sức mạnh thúc đẩy cho quá trình tiền tệ hóa các mối quan hệ xã hội."
Ông Trịnh Vĩnh Niên cho rằng người lao động đã bị bóc lột một cách thậm tệ ở Trung Quốc theo chủ nghĩa GDP. Ông giải thích:
"Trong bất kỳ nền kinh tế thị trường nào người dân cũng phải thương mại hóa hoặc tiền tệ hóa sức lao động của mình. Đây chính là điểm kết hợp giữa cá nhân với xã hội và kinh tế. Điều này cũng cho thấy rằng sức lao động mà người dân bán ra ít nhất phải đủ để họ sống còn và dựa vào đó để phát triển thêm. Tuy nhiên, dưới sự khống chế của tư bản và quyền lực, thực tế ở Trung Quốc là lao động đã trở thành những thứ kém giá trị nhất. Ví dụ, tại các công ty của những nước phát triển, tiền lương trong chi phí hoạt động chung chiếm đến 50%, nhưng tỉ lệ này trong doanh nghiệp của Trung Quốc lại chưa tới 10%. Ở các nước phát triển, tiền lương của công nhân chiếm khoảng 55% thu nhập quốc dân, nhưng ở Trung Quốc tỉ lệ này chưa đầy 42%."
Ông Trình Vĩnh Niên cho rằng nạn bóc lột lao động cộng với tham nhũng đã khiến cho của cải tập trung vào tay một số người rất nhỏ. Ông nói thêm như sau:
"Tập trung của cải quá mức luôn luôn là nguyên nhân chính của sự suy giảm đạo đức xã hội. Quan trọng hơn, vì việc bán sức lao động không đủ để duy trì sinh kế và để tồn tại, người dân sẽ phải bán tất cả những thứ khác có thể bán, kể cả thân xác của mình. Và tất nhiên, việc trộm cắp, cướp bóc, cướp người giàu để phát cho người nghèo, cùng với mọi hành động bạo lực phát xuất từ đó, cũng trở thành một việc hợp lý đối với người trong cuộc (mặc dù bất hợp pháp)."
Tiến sĩ Trịnh Vĩnh Niên cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt với một nguy cơ là có thể xảy ra những vụ rối loạn xã hội ở qui mô lớn. Ông nói thêm rằng vấn đề then chốt hiện nay là Trung Quốc có đủ thời giờ hay không để xây dựng lại các hệ thống đạo đức xã hội trước khi rối loạn xảy ra.
Trong bài bình luận hôm thứ tư (30-11-2011), khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Miến Điện, tờ Hoàn cầu Thời báo của đảng Cộng Sản Trung Quốc nói rằng “Trung Quốc hiện nay chưa có khả năng để xuất khẩu các giá trị của mình, nhưng điều này không có nghĩa là giá trị Hoa Kỳ được chấp nhận trong khu vực.” Nhân dịp Trung Quốc đưa ra nhận định như vậy, chúng tôi xin giới thiệu với quí thính giả một bài viết của Tiến sĩ Trịnh Vĩnh Niên, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Á của Đại học Quốc gia Singapore, nói về sự suy sụp đạo đức ở Trung Quốc - một việc mà nhiều nhà quan sát cho là một trong các nguyên do khiến cho Bắc Kinh gặp phải khó khăn trong nỗ lực tăng cường quyền lực mềm ở vùng Đông Nam Á.