Bất chấp sự trung lập công khai của Serbia và cho dù nước này từ chối trừng phạt Nga về cuộc xâm lược Ukraine, nhưng Serbia đã đồng ý cấp vũ khí cho Kyiv hoặc đã cấp rồi, theo một tài liệu mật của Ngũ Giác Đài.
Tài liệu này, bản tóm tắt các phản ứng của các chính phủ châu Âu đối với các yêu cầu của Ukraine về huấn luyện quân sự và “viện trợ sát thương” hoặc vũ khí, nằm trong số hàng chục tài liệu mật được đưa lên mạng trong những tuần gần đây trong vụ rò rỉ nghiêm trọng nhất của Hoa Kỳ trong nhiều năm.
Tài liệu này được đánh dấu Bí mật và NOFORN, cấm phân phối nó cho các cơ quan tình báo và quân đội nước ngoài. Tài liệu đề ngày 2/3, và đóng dấu nổi của văn phòng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ.
Reuters không thể kiểm chứng độc lập độ xác thực của tài liệu bị tung lên mạng.
Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Milos Vucevic đã bác bỏ những khẳng định trong tài liệu này là “không đúng sự thật” trong một tuyên bố ngày 12/4.
“Serbia đã không và sẽ không bán vũ khí cho Ukraine, phía Nga hay các nước xung quanh cuộc xung đột đó”, ông Vucevic nói.
Với tiêu đề “Châu Âu|Phản ứng với Xung đột tiếp diễn Nga-Ukraine”, tài liệu của Ngũ Giác Đài dưới dạng biểu đồ liệt kê “các lập trường được đánh giá” của 38 chính phủ châu Âu trước yêu cầu hỗ trợ quân sự của Ukraine.
Biểu đồ cho thấy Serbia từ chối cung cấp huấn luyện cho các lực lượng Ukraine, nhưng đã cam kết gửi viện trợ sát thương hoặc đã cung cấp rồi. Tài liệu cũng cho biết Serbia có ý chí chính trị và khả năng quân sự để cung cấp vũ khí cho Ukraine trong tương lai.
Trong tuyên bố của mình, ông Vucevic nói rằng có khả năng vũ khí và bom mìn do Serbia sản xuất có thể “xuất hiện một cách kỳ diệu” trong cuộc xung đột, nhưng “điều đó hoàn toàn không liên quan gì đến Serbia.”
“Ai đó rõ ràng muốn lôi kéo Serbia vào cuộc xung đột đó, nhưng chúng tôi đang nỗ lực duy trì các chính sách của mình”, ông nói thêm.
Văn phòng của Tổng thống Aleksandar Vucic đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters nhưng Bộ Ngoại giao Serbia đã đưa ra một tuyên bố phủ nhận rằng nước này đang cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine.
Ngũ Giác Đài không trả lời ngay các câu hỏi của Reuters về tài liệu đề cập đến Serbia và trước đó đã từ chối bình luận về các tài liệu bị rò rỉ.
Quan hệ với Nga
Chính phủ của ông Vucic đã tuyên bố trung lập trong cuộc chiến Ukraine, bất chấp mối quan hệ lịch sử, kinh tế và văn hóa sâu sắc của nước này với Nga.
Ông Janusz Bugajski, một chuyên gia về Đông Âu của Sáng hội Jamestown, một viện chính sách đối ngoại, nói: “Nếu tài liệu này là chính xác, thì nó cho thấy sự gian dối của ông Vucic đối với Nga hoặc ông đang chịu áp lực rất lớn từ Washington trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine”.
Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra vụ rò rỉ, trong khi Ngũ Giác Đài đang đánh giá thiệt hại đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Biểu đồ của Ngũ Giác Đài chia các câu trả lời đối với các yêu cầu viện trợ của Ukraine thành bốn loại: các quốc gia đã cam kết cung cấp đào tạo và viện trợ sát thương; các quốc gia đã cung cấp đào tạo, viện trợ sát thương hoặc cả hai; các quốc gia có khả năng quân sự và ý chí chính trị “để cung cấp viện trợ sát thương trong tương lai.”
Áo và Malta là hai quốc gia duy nhất được đánh dấu “Không” trong cả bốn hạng mục.
Bộ Ngoại giao Malta không trả lời ngay yêu cầu bình luận. Áo cho biết tính trung lập của họ ngăn cản họ tham gia quân sự vào cuộc xung đột và trong khi ủng hộ Ukraine về mặt chính trị, nước này không thể gửi vũ khí cho Ukraine.
Mọi việc diễn ra chỉ hơn một tháng sau khi các tài liệu được đăng trên một kênh thân Nga trên ứng dụng nhắn tin toàn cầu Telegram cho thấy chuyến hàng của một nhà sản xuất vũ khí Serbia gồm phi đạn đất đối đất Grad 122 mm tới Kyiv vào tháng 11 năm ngoái.
Các tài liệu bao gồm một bản kê khai lô hàng và giấy xác nhận đích đến sử dụng là chính phủ Ukraine.
Hãng thông tấn nhà nước TASS dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết hồi tháng 3, Moscow nói họ đã yêu cầu Belgrade giải thích chính thức về các hoạt động giao hàng theo cáo giác.
Nhà sản xuất vũ khí Krusik Corp của Valjevo phủ nhận cung cấp phi đạn hoặc vũ khí khác cho Ukraine. Ông Vucic gọi những cáo buộc là “một lời nói dối khét tiếng.”
“Chúng tôi không xuất khẩu bất kỳ loại vũ khí hay đạn dược nào sang Nga hay Ukraine”, ông nói trong chuyến thăm Qatar ngày 5/3.
Reuters không thể xác nhận độc lập tính xác thực của tài liệu gửi hàng được đưa lên Telegram.
Ông Vucic từ lâu đã cố gắng cân bằng mối quan hệ chặt chẽ với Moscow với mục tiêu gia nhập Liên hiệp châu Âu của Serbia.
Mặc dù Belgrade đã nhiều lần lên án cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine tại Liên hiệp quốc và các diễn đàn quốc tế khác, nhưng Serbia vẫn là một trong những quốc gia châu Âu duy nhất chống áp đặt các chế tài đối với Moscow.
Serbia công nhận toàn bộ Ukraine, bao gồm các khu vực bị Nga chiếm đóng từ năm 2014, trong khi Kyiv từ chối công nhận độc lập của Kosovo, một tỉnh cũ của Serbia có đa số người Albania sinh sống.