Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Năm 6/4 kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thuyết phục đồng minh thân thiết là Nga và giúp chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, trong khi đó, ông Tập đáp lại rằng ông hy vọng hai bên có thể tổ chức hòa đàm càng sớm càng tốt.
Trong các cuộc hội đàm rất được quan tâm ở Bắc Kinh, có cả người đứng đầu EU Ursula von der Leyen cùng tham gia, ông Macron nói rằng phương Tây phải bắt tay chặt chẽ làm việc cùng Bắc Kinh để giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng và ngăn chặn căng thẳng 'bị cuốn vào vòng xoáy' có thể chia rẽ các cường quốc toàn cầu thành các khối xung đột với nhau.
"Cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine đã giáng một đòn mạnh vào sự ổn định (quốc tế)", ông Macron nói với ông Tập bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân khi bắt đầu cuộc gặp của họ.
"Tôi biết tôi có thể tin tưởng vào ngài để đưa nước Nga trở lại những gì có lý có tình và đưa các bên quay lại bàn đàm phán", vẫn lời tổng thống Pháp.
Phát biểu sau cuộc gặp với ông Macron, ông Tập kêu gọi Ukraine và Nga nối lại hòa đàm và tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột.
Ông Macron cũng đề nghị ông Tập gây áp lực để Nga tuân thủ các quy định quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, nước láng giềng của Ukraine.
Ông Tập nói rằng tất cả các nước cần phải tôn trọng các cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân và "không được gây ra chiến tranh hạt nhân", nhưng không đề cập đến Nga. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế "kiềm chế mọi hành động có thể khiến cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn hoặc thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát".
Phát biểu với báo giới sau khi đến Trung Quốc hôm 5/4, ông Macron cho rằng châu Âu phải tránh việc giảm quan hệ thương mại và ngoại giao với Trung Quốc, ông cũng bác bỏ quan điểm của một số người cho rằng giữa Trung Quốc và phương Tây có một "vòng xoáy căng thẳng không thể thoát ra được".
Hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin cho hay ông Tập nói rằng Trung Quốc và Pháp có khả năng và có trách nhiệm vượt qua "sự khác biệt" và "những hạn chế" khi thế giới trải qua những thay đổi lịch sử sâu sắc. Ông Tập cho biết Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Liên hiệp châu Âu (EU) để khởi động lại "các cuộc gặp gỡ, trao đổi" ở mọi cấp.
Cả ông Macron lẫn bà von der Leyen đều nói rằng họ muốn thuyết phục Trung Quốc tận dụng mối quan hệ với Nga để mang lại hòa bình ở Ukraine hoặc ít nhất là ngăn Bắc Kinh trực tiếp trợ giúp cho cuộc xâm lược của Moscow.
Ông Macron, đi cùng phái đoàn gồm 50 doanh nghiệp bao gồm cả tập đoàn Airbus, đại công ty sản xuất đồ thời trang xa xỉ LVMH và nhà sản xuất năng lượng hạt nhân EDF, cũng thăm Trung Quốc để tìm kiếm những mối lợi kinh tế.
Airbus đã ký các thỏa thuận hôm 6/4 để mở một dây chuyền lắp ráp mới tại Trung Quốc, tăng gấp đôi công suất tại thị trường hàng không lớn thứ hai thế giới và chốt một số đơn đặt hàng máy bay phản lực đã công bố trước đây.
(Reuters)
Diễn đàn