Đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã lên tiếng nhiều lần trên TV, bà còn lập chương trình "Let's Move" kêu gọi mọi người thường xuyên tập thể dục, trong khuôn khổ của chiến dịch tấn công bệnh dịch béo phì của nước Mỹ.
Trong tháng này, cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA đề nghị ra luật buộc nhà hàng, các quán bán thức ăn nhanh, thậm chí các máy bán thức ăn tự động; phải đề rõ ràng trên thực đơn hay trên nhãn thực phẩm của họ có bao nhiêu calo.
Chúng ta không thể nói các biện pháp đó quá ít, mà chỉ có thể nói quá trễ. Và chắc chắn một điều là nước Mỹ thua trận giặc chống tên béo. Chỉ cần nêu vài ví dụ:
Một hệ thống thức ăn nhanh quảng cáo chỉ cần bỏ 5 đôla khách sẽ có ổ bánh mì 30 centimet không những chỉ có đầy thịt bò băm mà còn một lớp xúc xích và phô-mai.
Một công ty có các cửa hàng bánh pizza chưa hài lòng sau khi đã tăng gấp đôi số thịt và phô-mai, còn tìm cách nhét thêm phô-mai vào phần vỏ bánh.
Một hệ thống cửa hàng hamburger trình làng ổ bánh mì "Enormous Omelet" (ô-mơ-lết khủng) gồm có một lớp thịt bò băm, hai trứng ô-mơ-lết, 3 lát thịt heo ba chỉ, và một lớp phô-mai. Nhân viên của họ còn hỏi bạn có đi kèm một gói khoai tây chiên hay không.
Một cửa hàng khác còn cam đoan với khách là ổ bánh "Monster Thickburger" (hamburger dày khủng) của họ có 1.420 calo, bao gồm 107 gram chất béo, 229 miligram chất cholesterol, và 2.651 miligram chất sodium. Như vậy là chỉ riêng ổ bánh này đã có quá 651 chất muối mà FDA khuyên chúng ta chỉ nên ăn trong nguyên một ngày; vâng, trong một ngày.
Nhiều người sau khi gọi xong các món kể trên, gọi thêm một ly nước “diet” to đùng, có ít chất đường, để giảm bớt mặc cảm tội lỗi, hoặc để cho mình cảm giác là cũng đang ăn uống lành mạnh đấy thôi.
Bất chấp lời kêu gọi của chính quyền và các tổ chức bảo vệ sức khỏe, dân Mỹ vẫn tiếp tục ngốn nhiều thịt thà và chất béo. Dường như cuộc chiến chống béo mập tại nước này đã thất bại.