Quyết định của Na Uy mở rộng sự hiện diện của Thủy quân lục chiến Mỹ trên đất của họ sẽ làm xấu đi quan hệ với nước láng giềng Nga và có thể làm leo thang căng thẳng ở cánh phía bắc của NATO, đại sứ quán Nga ở Oslo nói với hãng tin Reuters hôm thứ Bảy.
Khoảng 330 thủy quân lục chiến sẽ đồn trú tại Na Uy cho đến cuối năm 2018, chính phủ cho biết hôm thứ Tư, triển hạn gấp đôi khoảng thời gian ban đầu được mô tả là thời hạn thử một năm.
Việc triển khai binh sĩ vào tháng 1 vừa qua để diễn tập tác chiến mùa đông và trượt tuyết băng đồng, và tham gia vào các cuộc tập trận chung, đánh dấu toán binh sĩ nước ngoài đầu tiên trú đóng tại nước thành viên NATO này kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc.
"Chúng tôi cho rằng bước đi này mâu thuẫn với chính sách của Na Uy là không triển khai các căn cứ quân sự nước ngoài ở nước này vào thời bình," đại sứ quán Nga viết trong một thông cáo gửi cho Reuters.
Nó còn "làm cho Na Uy trở thành một đối tác không hoàn toàn đoán định được, có thể làm leo thang căng thẳng và dẫn đến việc gây bất ổn cho tình hình trong vùng phía bắc," thông cáo nói thêm.
Na Uy hạ giảm tầm quan trọng của việc triển khai binh sĩ, nhấn mạnh vào yếu tố huấn luyện và phủ nhận việc thủy quân lục chiến Mỹ đến đây là một hành động nhắm vào Nga. Binh sĩ Mỹ đóng quân cách biên giới Nga khoảng 1.500 kilômét.
"Sự hiện diện thường xuyên của quân liên minh ở mức độ cao tạo nên trạng thái bình thường có tính ổn định trong thời bình, góp phần răn đe và phòng vệ," Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Ine Eriksen Soereide nói trong một thông cáo vào ngày 21 tháng 6.
Quyết định của chính phủ thiểu số trung hữu Na Uy nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các đảng đối lập của nước này, nhưng bị cách tả chỉ trích.